Giảm thuế VAT: người dân hưởng lợi, doanh nghiệp tăng sức

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội vừa nhất trí giảm thuế VAT 2% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một trong những lo ngại lớn của giảm thuế là giảm thu ngân sách. Theo tính toán, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Vì thế, cần thiết phải có các giải pháp cân đối ngân sách, bù đắp hụt thu.

Tăng hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn thu, khai thác tốt các nguồn thu mới trong bối cảnh kinh tế số phát triển, tăng thanh tra, kiểm tra, hạn chế thất thu, giảm chi những hạng mục không cần thiết… là các phương án đã và đang được triển khai.

Dù đứng trước nhiều thách thức nhưng giảm thuế VAT được đánh giá là mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân và DN. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân.

Đối với DN, việc giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của DN tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, nếu nhìn trước mắt, câu chuyện thuế giảm kéo đến giảm thu ngân sách là hiện hữu. Tuy nhiên, về lâu dài, đây lại là giải pháp căn cơ mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hỗ trợ DN giảm chi phí đầu vào.

Từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024.