Liên kết phát triển sản phẩm thảo dược tại huyện Sóc Sơn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khai thác lợi thế vùng đất đồi gò, bán sơn địa, những năm qua, huyện Sóc Sơn đẩy mạnh phát triển vùng trồng cây dược liệu, tạo nên những sản phẩm có chất lượng với nguồn gốc thiên nhiên, cung cấp cho thị trường.

Đa lợi ích từ vùng trồng cây dược liệu

Nhiều năm trước, thu nhập của gia đình ông Trịnh Hồng Phong ở thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) trông cả vào diện tích đất đồi gò trồng cây sắn. Tuy nhiên, cây sắn mang lại giá trị kinh tế thấp, nên không riêng ông Phong mà nhiều hộ trong thôn không mấy mặn mà.

Vài năm trở lại đây, ông Phong đã cho Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn thuê đất trồng cây dược liệu, đồng thời nhận chăm sóc vườn cây sau chuyển đổi. Ngoài tiền thuê đất được trả hàng năm, đều đặn mỗi tháng ông Phong còn được nhận tiền công.

Chăm sóc cây dược liệu tại Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn.
Chăm sóc cây dược liệu tại Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn.

Ông Phong là một trong hàng trăm hộ dân tại xã Bắc Sơn đang bắt tay cùng Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn trong nỗ lực nhân rộng vùng trồng cây dược liệu. Đến nay từ 5ha ban đầu, hiện vùng trồng đã phát triển lên quy mô 21ha cây dược liệu.

Không chỉ phát triển cây dược liệu tại xã Bắc Sơn, Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn còn liên kết với Hợp tác xã Dược liệu Hoà Phát phát triển vùng trồng rộng 15ha tại xã Xuân Giang. Đồng thời, phối hợp cùng Hội Nông dân huyện Sóc Sơn mở rộng thêm 3ha cây dược liệu tại xã Xuân Thu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cây dược liệu đã bén rễ trên mảnh đất Sóc Sơn từ những năm 2015. Tuy nhiên, phải đến khi Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn được thành lập vào năm 2018, mô hình trồng cây dược liệu mới phát triển theo đúng định hướng, thay vì nhỏ lẻ, manh mún trước đây.

“Mô hình liên kết phát triển vùng trồng và các sản phẩm từ cây dược liệu có sự liên kết giữa các hợp tác xã và hàng trăm nông hộ đã và đang giúp khai thác hiệu quả giá trị từ đất ở vùng đồi gò, bán sơn địa. Quan trọng hơn là tạo sinh kế, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho hàng trăm nông hộ…” - ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.

Xì dầu đỗ đen, ngưu bàng là một trong những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn.
Xì dầu đỗ đen, ngưu bàng là một trong những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn.

Chú trọng tiêu chuẩn chất lượng

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền, ngoài trà hoa vàng, nhiều loại dược liệu quý hiếm hiện đã được đơn vị đưa về trồng trên mảnh đất Sóc Sơn như: thìa canh, kim ngân, xạ đen, tam thất… Mới đây nhất, cây ngưu bàng cũng được đưa vào canh tác.

Hiện nay, bên cạnh việc sản xuất các loại trà thảo dược, hợp tác xã đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm “Xì dầu đỗ đen, ngưu bàng”. Đây là sản phẩm được hợp tác xã nghiên cứu triển khai trong gần một năm và mới công bố thành phẩm hồi tháng 9/2023.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, “Xì dầu đỗ đen, ngưu bàng” có bản tự công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Sản phẩm đã được cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng tem nhãn, có mã truy xuất nguồn gốc và được lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.

Quy trình ngâm ủ để tạo ra xì dầu đỗ đen, ngưu bàng được kiểm soát chặt chẽ.
Quy trình ngâm ủ để tạo ra xì dầu đỗ đen, ngưu bàng được kiểm soát chặt chẽ.

Mới đây, “Xì dầu 2S đỗ đen, ngưu bàng” cũng đã được Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam và Trung tâm Kiểm nghiệm chứng nhận và tư vấn chất lượng Nông lâm thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) xác nhận Sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Tiêu chuẩn xác nhận: TCCS 01-1:2023/VNPS.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Tuyền, “Xì dầu 2S đỗ đen, ngưu bàng” là sản phẩm được hợp tác xã rất kỳ vọng, phấn đấu xây dựng trở thành thương hiệu riêng có của huyện Sóc Sơn. Hiện, sản phẩm đang được UBND huyện hỗ trợ hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024.

Để hỗ trợ các hợp tác xã nói chung có điều kiện phát triển thuận lợi, bà Nguyễn Thanh Tuyền mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân biết và tin tưởng lựa chọn sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Đồng thời, bảo vệ chủ thể sản xuất - kinh doanh trước những thông tin thất thiệt, có thể ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị trong quá trình hoạt động. 

 

“Mô hình liên kết phát triển vùng trồng và sản phẩm từ cây dược liệu do Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn triển khai đang mang lại những hiệu quả tích cực về giá trị kinh tế, an sinh xã hội. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế ở vùng đất đồi gò, bán sơn địa mà địa phương đang tập trung nhân rộng…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn.