Nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào Fed, chứng khoán Mỹ tăng chóng mặt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ bùng nổ trong phiên ngày 3/5, sau khi báo cáo việc làm tháng 4 yếu hơn dự báo làm tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu hạ lãi suất.

Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ trong phiên 3/5. Ảnh: Getty
Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ trong phiên 3/5. Ảnh: Getty

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones leo dốc  450,02 điểm (tương đương 1,18%) lên mức 38.675,68 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,26% lên 5.127,79 điểm, chứng kiến phiên tốt nhất kể từ tháng 2/2024. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 1,99% lên 16.156,33 điểm.

Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều có tuần giao dịch khởi sắc. Cụ thể, Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,14% và 1,43%, còn S&P 500 tiến 0,55%.

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3/5, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế nước này có 175.000 công việc mới trong tháng 4, ít hơn nhiều so với con số dự báo 240.000 được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9%, cao hơn mức 3,8% của tháng trước. Số liệu tiền lương cũng yếu hơn dự báo - một dấu hiệu tích cực cho thấy lạm phát có thể hạ nhiệt.

Chiến lược gia trưởng về đầu tư của công ty John Hancock Investment Management, bà Emily Roland, nhận định với đài CNBC: “Dữ liệu việc làm mới nhất đã xoa dịu mối lo ngại của nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang quá nóng hoặc tăng tốc trở lại. Bên cạnh đó, những số liệu này đã nhen nhóm tia hy vọng về việc Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách”.

Theo bà Roland, tin xấu đối với thị trường việc làm, nhưng mang tới tin tích cực cho thị trường cổ phiếu là Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Chuyên gia Saira Malik của Nuveen cũng cho rằng báo cáo việc làm yếu hơn dự báo trong tháng 4 sẽ tạo lực đẩy cho thị trường Phố Wall trong ngắn hạn. Vị chuyên gia lưu ý, về dài hạn, giới đầu tư vẫn lo ngại Fed có thể buộc phải tăng lãi suất nếu nền kinh tế lớn nhất có dấu hiệu tăng trưởng nóng và khiến lạm phát tiếp tục tăng nhiệt.

Sau khi báo cáo việc làm tháng 4 được công bố, các nhà giao dịch tăng tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed sẽ có 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay, thay vì 1 đợt như kỳ vọng trước đó. Thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng gần 50% Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm dưới 4,5% sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm trong tháng 4.

Lợi suất giảm đã hỗ trợ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, trong đó cổ phiếu hai hãng chip Nvidia và AMD đều nhảy vọt hơn 3%. Cổ phiếu Microsoft và Meta Platforms cùng tăng 2%. Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin thuộc chỉ số S&P 500 chốt phiên với mức tăng hơn 3%.

Các báo cáo tài chính quý 1 của các doanh nghiệp trong nhóm chỉ số Dow Jones cũng góp phần thúc đẩy đà leo dốc của thị trường trong phiên ngày thứ Sáu.

Cổ phiếu Apple nhảy vọt gần 6% sau khi công bố mua lại cổ phiếu quỹ trị giá 110 tỷ USD và có doanh thu lợi nhuận vượt dự báo.

Cổ phiếu công nghệ sinh học Amgen leo dốc gần 12% sau khi báo cáo lợi nhuận tốt vượt dự kiến và đưa ra thông tin cập nhật tích cực về một loại thuốc trị béo phì đang thử nghiệm. Cổ phiếu này cũng chứng kiến phiên tốt nhất kể từ năm 2009.

Chỉ số Russell 2000, đo lường hiệu quả hoạt động của 2.000 công ty vốn hóa nhỏ, cộng 0,8%, ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Trong phiên ngày 3/5, các cổ phiếu dẫn đầu đà tăng trong nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ là Opendoor, Twist Bioscience, Re/Max và Alignment Healthcare, khi đồng loạt leo dốc hơn 20%.

Chỉ số Russell 2000 lần đầu tiên đạt mức 2.039,16 điểm kể từ ngày 11/4. Tính từ đầu tuần đến nay, chỉ số Russell 2000 đã tăng 1,5% và có tuần tích cực thứ hai liên tiếp.