Nhiều suy ngẫm qua việc cô giáo phát sách “nhạy cảm” cho học sinh 11

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm và hướng xử lý về sự việc cô giáo phát sách có chi tiết nhạy cảm cho học sinh lớp 11 xảy ra tại trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ISHCMC), nhưng quanh sự việc này, có rất nhiều điều cần suy ngẫm.

Từ chia sẻ đầy sửng sốt của người mẹ

Vài ngày qua, cộng đồng mạng vẫn chưa hết xôn xao về sự việc “cô giáo phát sách chứa chi tiết nhạy cảm cho học sinh lớp 11” xảy ra tại trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ISHCMC). Sự việc bắt đầu từ chia sẻ của một người mẹ có con đang theo học lớp 11 của ngôi trường nêu trên.

Dòng chia sẻ của phụ huynh (Ảnh: MXH)
Dòng chia sẻ của phụ huynh (Ảnh: MXH)

Theo đó, trong một bài đăng trong nhóm phụ huynh các trường quốc tế có gần 27.000 thành viên, phụ huynh này cho biết, ngay trước kỳ nghỉ lễ, con của bà được giáo viên phát cuốn "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" của tác giả Ocean Vuong để về nhà đọc. Ban đầu bà rất hân hoan vì nghĩ hai mẹ con sẽ cùng nhau thảo luận một tác phẩm văn học hay, nhưng sau đó bà bàng hoàng khi đọc được những trang văn trong cuốn sách.

"Tôi không biết bản thân mình có quá cổ hủ, lạc hậu hay không nhưng thật sự tôi đang rất bức xúc khi phát hiện bé con nhà tôi đang bị "đầu độc về mặt tinh thần"… Ngồi đọc sách cùng con mà giận run cả người vì không hiểu nhà trường biên soạn chương trình thế nào, giáo viên trình độ chuyên môn ra sao mà lại có thể lựa chọn một tác phẩm như vậy để dạy cho học sinh...” phụ huynh này viết. Kèm theo chia sẻ đó là ảnh chụp một số trang, miêu tả chi tiết về cơ thể người, bộ phận nhạy cảm, các hành động tình dục giữa hai thiếu niên nam.

Sau khi bài viết được chia sẻ rộng rãi với nhiều bình luận trái chiều, Trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận thông tin và thừa nhận, “quyển sách dịch tiếng Việt với nội dung có thể không phù hợp với lứa tuổi của các em- học sinh lớp 11”. Nhà trường cho hay, tác giả cuốn sách thuộc danh sách đọc tham khảo, gồm nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, được Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) giới thiệu. Các tác phẩm của tác giả này hiện được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh quan ngại về tác phẩm đã phát cho học sinh, nhà trường đã thu hồi các ấn bản này; đồng thời đang đánh giá và xem xét quy trình mà tác phẩm được giới thiệu cho học sinh.

Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đơn vị đã làm việc, yêu cầu nhà trường thu hồi 19 cuốn sách đã phát, báo cáo gấp nội dung và phương án giải quyết. Cùng với đó, Sở đề nghị trường nghiêm túc kiểm điểm, phê bình giáo viên (tùy theo mức độ vụ việc) vì đã không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm.

“Qua sự việc này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP cần rà soát, thận trọng trong các hoạt động giáo dục có sử dụng tài liệu, sách không phải là giáo khoa trong nhà trường. Việc lựa chọn tài liệu tham khảo phải tuân theo thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên”, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nêu.

Cần nhìn nhận đa chiều

Kể cả khi nhà chức trách có động thái rõ ràng nhưng vẫn có không ít quan điểm trái chiều xung quanh sự việc trên được đưa ra. Người thì cho rằng, việc cô giáo phát sách có chi tiết “đồi trụy” cho học sinh lớp 11 mang về nhà đọc tham khảo là không thể chấp nhận được. Ngược lại, không ít người bày tỏ, đây là một cuốn sách hay, có giá trị văn học và nghệ thuật. Học sinh lớp 11 trong xã hội hiện nay đọc sách có chi tiết như vậy là bình thường, không có gì phải ồn ào hay sửng sốt.

Trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh cơ sở tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: FBNT)
Trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh cơ sở tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: FBNT)

“Học sinh cấp THPT xem phim sex hoặc lén đọc truyện sex là không hiếm. Bởi thế, các em lớp 11, nếu có đọc truyện “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian” thì cũng không phải là chuyện giật mình. Trong sự việc này, nếu người mẹ không lên mạng viết cảm nhận với tài khoản ẩn danh mà đối thoại với con, kết nối nhóm phụ huynh cùng lớp để đối thoại hoặc trao đổi, góp ý với giáo viên thì sẽ tránh được việc ồn ào không đáng có”, một phụ huynh học sinh chia sẻ.

“Tôi chưa hiểu chính xác bối cảnh và mong muốn của cô giáo khi phát cuốn sách cho học sinh trường quốc tế đó là gì nhưng theo tôi, vấn đề ở đây không tệ như cách nhiều người nghĩ. Sự việc cần được nhìn nhận đa chiều và chúng ta nên đặt cuốn sách trong bối cảnh xã hội và văn hóa của thanh thiếu niên hiện nay thay vì áp đặt những quan niệm cũ...”, Thạc sỹ tâm lý học lâm sàng, chuyên viên tâm lý học đường Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) Nguyễn Thanh Ngà cho biết.

Theo cô Ngà, vấn đề này tuy không mới mẻ nhưng cũng đừng nên biến một tình huống khó khăn trở nên khó khăn hơn mà cần bình tĩnh và bình thường hoá nhất có thể. Có thể thấy, việc phê phán giáo viên vẫn là cách xử lý theo lối cũ. Tại sao chúng ta không coi đó là bài học chung cho cả thầy cô và bố mẹ để có cách ứng xử văn minh hơn?

Là giáo viên, nhất thiết phải thẩm định và hiểu về cuốn sách trước khi giới thiệu cho học sinh, hoặc nếu có ý đồ giáo dục trong đó thì cũng cần có trao đổi và thống nhất trước với phụ huynh để đồng hành giáo dục.

Còn với phụ huynh, cách thức trao đổi với con một cách tự nhiên, gần gũi để lắng nghe chia sẻ thật lòng của con về giới tính như đoạn hội thoại được trích dẫn trong truyện kia cũng là việc đáng suy ngẫm.

“Vấn đề về giới tính, tình dục, ai cũng thấy cần thiết phải giáo dục cho học sinh nhưng cách thức, phương pháp giáo dục như thế nào thì vẫn còn rất loay hoay và nếu không khéo sẽ bị cho là “vẽ đường cho hươu chạy” hoặc vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phụ huynh. Đây được cho là rào cản lớn để các nhà giáo dục dám “lấn tới, sáng tạo”. Thiết nghĩ, tình huống kể trên là một trường hợp để chúng ta xem xét, “xoay chuyển tư duy”, có cái nhìn đúng đắn, cởi mở và chân thực hơn về giáo dục giới tính, tình dục cho học sinh” cô Nguyễn Thanh Ngà bày tỏ.