Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường: Xu hướng tất yếu

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tháng triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 cấp phường tại các quận, tỷ lệ hồ sơ khai sinh nộp trực tuyến đã đạt trên 50%.

Nhưng con số này cũng cho thấy còn nhiều việc phải làm để tăng tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT, trước hết bắt đầu từ quyết tâm của người đứng đầu và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan để sớm cởi gỡ những “nút thắt” từ cơ sở…
Nhiều đơn vị đạt kết quả cao
Trong các thủ tục hành chính (TTHC) cấp phường được thực hiện DVCTT mức độ 3 (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú (ĐKTT) - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa ĐKTT), có những quận đạt tỷ lệ hồ sơ khai sinh nộp trực tuyến rất cao như Long Biên 99%, Bắc Từ Liêm 96%, Nam Từ Liêm 81%...; tỷ lệ hồ sơ khai tử nộp trực tuyến đạt 35%, trong đó Bắc Từ Liêm 93%, Thanh Xuân 77%, Long Biên 75%...
 Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Đại Mỗ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Nhìn từ quận Bắc Từ Liêm cho thấy, quận đã truyên truyền rất bài bản, xây dựng các tài liệu trực quan giới thiệu về DVC mức độ 3, 4, in và phát cho cán bộ, Nhân dân. Không chỉ đăng trên Cổng thông tin điện tử quận, niêm yết công khai tại bộ phận một cửa (BPMC)
Trên cơ sở 7 DVC mức độ 3 cấp phường đã triển khai tại 12 quận, từ nay đến cuối năm, TP sẽ mở rộng cung cấp đến các xã/phường thuộc 18 huyện/thị xã còn lại, với tổng cộng 19 TTHC. Trong đó, giai đoạn I triển khai tại cả 139 xã thuộc huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì, để rút kinh nghiệm, triển khai ra các huyện/thị xã khác.
phường mà còn niêm yết tại từng khu dân cư, nhà văn hóa, phát trên loa phường... 13 phường đã thành lập các đội tình nguyện với 145 cán bộ, công chức, thanh niên và bố trí thiết bị hỗ trợ người dân nhập hồ sơ trực tuyến khi đến nộp tại BPMC.
Tại phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) không có máy tính riêng cho người dân nhập dữ liệu, cán bộ BPMC đã mời công dân sang phòng tiếp dân có máy tính, để hướng dẫn họ nhập vào phần mềm, kể cả khi tại nhà… Đến ngày 15/9, UBND phường đã giải quyết 16 hồ sơ khai sinh trực tuyến, cao nhất tại quận. “Để đạt kết quả này, cũng do phường luôn bố trí cán bộ trực hướng dẫn nếu người dân chưa hiểu” - Chủ tịch UBND phường Phạm Hoàng Linh bày tỏ.
Thực tế lợi ích mang lại từ DVCTT mức độ 3 là rất lớn, trong đó công dân có thể nộp hồ sơ online bất cứ ở đâu có kết nối internet. Thời gian cũng được rút ngắn đáng kể: TTHC liên thông “3 trong 1” cho trẻ dưới 6 tuổi từ chỗ mất 20 ngày chỉ còn 5 ngày; công dân muốn khai sinh thông thường, sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, chỉ cần đến UBND phường nộp hồ sơ gốc theo giờ hẹn và nhận ngay kết quả. Ông Thái Nguyên Bền (số 27 Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Vạn sự khởi đầu nan”, không tránh khỏi trục trặc, song tôi thấy DVCTT rất thuận tiện cho người dân. Nếu không biết sử dụng smartphone, email…, chúng tôi sẽ nhờ con, cháu. Đây là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, nhất là giới trẻ cập nhật công nghệ rất nhanh, nên cần nhân rộng DVCTT này”.
Sớm khắc phục hạn chế về phần mềm
Dù kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng thực tế không ít cán bộ phường đã được tập huấn nhưng vẫn chưa quen thao tác trên phần mềm. Nhiều phường chưa cử được cán bộ, đoàn viên trực tiếp hướng dẫn người dân về DVCTT, chưa phát tờ rơi tận khu dân cư…, nên nhiều người chưa biết, chưa sử dụng. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến các phường hiện vẫn chưa có trường hợp nào thực hiện DVCTT mức độ 3. Bà Trần Hà Thành - cán bộ Tư pháp hộ tịch UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) cho biết: “Nhiều người dân nói chưa biết DVC này, cũng không biết sử dụng máy tính, nên chúng tôi phải trực tiếp làm cho họ”.
 Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Điện Biên hướng dẫn người dân cách thức thực hiện dịch vụ công mức độ 3. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khách quan, nhất là đa số phường thiếu máy in, máy scan tại BPMC và bộ phận Tư pháp, thiếu máy tính hướng dẫn người dân làm thủ tục nên phải trưng dụng máy tính của cán bộ. Đáng chú ý, còn khá nhiều lỗi về phần mềm. Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Nguyễn Văn Khang phản ánh: Tốc độ chạy phần mềm rất chậm, trong khi cán bộ phải nhập quá nhiều thông tin mỗi khi người dân đến nộp hồ sơ. Người dân phải chụp ảnh/scan để gửi đính kèm file giấy tờ, rồi mang hồ sơ gốc đến phường, trong khi người cao tuổi khó tiếp cận các thiết bị CNTT hiện đại. Vì vậy, phần lớn vẫn chọn cách trực tiếp ra UBND phường nộp hồ sơ giấy, nên đến ngày 15/9, UBND phường mới tiếp nhận, hoàn thành 1 hồ sơ trực tuyến.
Phó Trưởng phòng VH&TT quận Hai Bà Trưng Nguyễn Như Cẩn cho biết: Phần mềm eSAMS thao tác nhập dữ liệu mất rất nhiều thời gian, tại các phường hay xảy ra lỗi bảo mật; bộ phận hỗ trợ kỹ thuật đã thực hiện biện pháp xử lý, song vẫn báo lỗi. Tại phường Vĩnh Tuy, một số hồ sơ đăng ký khai sinh liên thông bị quá hạn trả kết quả, do quy trình giải quyết hồ sơ trên phần mềm không giao nhận được giữa các bộ phận chuyên môn và không trả được kết quả trên phần mềm cho công dân. Hay tại phường Bạch Đằng, khi nhập quê quán của công dân là người nước ngoài thì hệ thống không chấp nhận, nên Công an quận không thể tiếp nhận hồ sơ. Tại phường Cầu Dền, công dân đăng ký khai sinh trực tuyến qua hệ thống trực tuyến TP tại máy tính gia đình, song hệ thống tại phường sau hơn một tuần mới nhận được thông tin…
Ngoài ra, theo Trưởng Phòng VH&TT quận Bắc Từ Liêm Phạm Thị Thanh Huyền, khi công dân đăng ký khai sinh thông thường qua địa chỉ egov.hanoi.gov.vn, nhận được email của UBND TP ghi “Đã đăng ký thành công DVC mức 3, mọi thắc mắc liên hệ số điện thoại để được hỗ trợ”, nhưng lại không có số điện thoại này…
Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Nga: Người dân được tuyên truyền tốt, cán bộ đỡ vất vả
Bất cập nhất hiện nay là khâu tuyên truyền còn yếu. Nếu không tuyên truyền tốt để công dân nắm được lợi ích, thao tác cơ bản khi thực hiện DVCTT thì chính cán bộ sẽ rất vất vả do phải kiêm nhiều việc, nhất là phải trực tiếp nhập dữ liệu cho họ. Trong quá trình giải quyết, nếu hồ sơ đã rõ ràng thì cán bộ thực hiện được ngay, nhưng gặp hồ sơ công dân khai trực tuyến từ nhà không đầy đủ do chưa nắm rõ quy trình, thì việc xác minh thông tin sẽ khá khó khăn. Ngoài ra, chưa nhiều phường bố trí được cán bộ và đoàn viên trực tiếp hướng dẫn người dân, cũng do biên chế, cơ chế hỗ trợ…
 Trưởng bộ phận Tư pháp hộ tịch UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm Đỗ Đắc Tiến: Hỗ trợ cho cán bộ dù nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn
Để làm tốt DVCTT mức độ 3 cấp phường theo yêu cầu của TP, cán bộ phường đều phải kiêm nhiệm. Với những nơi đã triển khai trả kết quả tận nhà cho công dân như Đại Mỗ, cán bộ tư pháp - hộ tịch còn phải tranh thủ buổi tối, trưa hàng ngày mang kết quả đến tận nhà cho người dân, trong khi giờ hành chính vẫn phải tiếp nhận, hướng dẫn công dân nhập hồ sơ trực tuyến… và hoàn thành các việc chuyên môn khác. Dù vậy, cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ DVCTT chưa được hưởng thêm chút kinh phí nào. Chúng tôi rất mong TP có thêm cơ chế hỗ trợ, dù nhỏ nhưng có ý nghĩa động viên cán bộ nỗ lực phục vụ người dân tốt hơn.
 Phó Chánh văn phòng UBND quận Long Biên Nguyễn Văn Thắng: Số hóa cơ sở dữ liệu để giảm công sức cho người dân và cán bộ
Vướng mắc lớn nhất về phía người dân chính là phải scan hoặc chụp giấy tờ gốc để gửi email cho cán bộ, rồi lại mang giấy tờ gốc ra phường. Thực hiện chỉ đạo của TP, UBND quận cùng Công ty Nhật Cường đang thí điểm số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch, mà khi hoàn thành, công dân sẽ không còn phải mang hồ sơ gốc ra phường; cán bộ khai thác được ngay trên cơ sở dữ liệu, cơ bản không phải kiểm tra giấy tờ, nên có thể nhanh chóng giải quyết cho công dân. Công việc này khá khó khăn, nhưng với quyết tâm từ TP đến cơ sở, tôi tin đây là bước đi đúng đắn.