1 người chết, hàng ngàn nhà dân bị thiệt hại do thiên tai trong 7 ngày qua

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/5, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra từ ngày 24/4 đến cuối ngày 1/5/2019.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ ngày 24/4 - 1/5, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa, có nơi mưa to, kèm theo dông, lốc, sét. 8 tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Cạn, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dông, lốc.
 Dông lốc gây đổ cây xanh tại tỉnh Yên Bái 
Dông lốc xảy ra đã làm 1 người ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) bị chết do nhà sập; 1 người bị thương. Bên cạnh đó là 55 nhà bị sập, 2.920 nhà và 56 công trình phụ bị tốc mái, hư hỏng; 15 điểm trường bị tốc mái, 8 cột điện bị đổ, 300m đường dây cao thế bị đứt. Nông nghiệp cũng gánh chịu thiệt hại lớn với 1.112ha lúa; 3.090ha hoa màu; 20ha cây ăn quả, hàng ngàn cây keo bị thiệt hại. 16 con gia súc, 3.300 con gia cầm bị chết.
Tại Hà Nội, mưa lớn đêm 29 và sáng ngày 30/4 đã gây ngập lụt 1 số khu vực tại nội thành. Ngoài ra, thời gian qua ở nhiều nơi khu vực Bắc Bộ và Băc Trung bộ có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ phổ biến từ 34 - 37 độ, cá biệt một số nơi trên 38 độ C.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, nắng nóng gay gắt tuy có giảm dần song vẫn còn xuất hiện ở khu vực Trung bộ. Hiện tượng trời mưa dông, lốc có thể tiếp tục diễn ra tại một số địa phương.
Để chủ động ứng phó hiệu quả, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng ứng phó với nắng nóng, giông lốc để giảm thiểu thiệt hại. Các khu đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cần rà soát phương án ứng phó với ngập lụt khi xảy ra mưa lớn...