10 địa phương thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh trong năm 2019

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 18/9, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Văn phòng Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội nhất trí đề xuất tên gọi: “Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND”. Việc này để đảm bảo thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể.
Đây là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Về nhân sự, sau khi hợp nhất Văn phòng có Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chủ tịch HĐND cùng cấp và Trưởng Đoàn ĐBQH. Các Phó Chánh văn phòng phụ trách lĩnh vực đồng thời là thư ký HĐND, thư ký UBND và thư ký Đoàn ĐBQH.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng Phó Chánh văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.
Kể từ năm 2020, số lượng Phó Chánh văn phòng tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương không quá 4 người; đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 5 người.
Về số lượng phòng, đề án đề xuất địa phương được chủ động lựa chọn 1 trong 2 phương án: Thành lập không quá 11 phòng và đơn vị theo đối tượng phục vụ, trong đó có 10 phòng có quy định cụ thể và một phòng đặc thù do cấp có thẩm quyền thành lập xem xét, quyết định theo yêu cầu đặc thù của địa phương. Phương án còn lại là thành lập 7 phòng và đơn vị theo nội dung, tính chất công việc.
Văn phòng Quốc hội cũng đề xuất thực hiện thí điểm đối với những địa phương chủ động có đề xuất được thực hiện thí điểm trước, những địa phương tích cực và sẵn sàng trong việc áp dụng mô hình mới.
Theo đó, số lượng dự kiến đưa vào thực hiện thí điểm gồm các tỉnh, thành: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang. Ngoài ra khuyến khích các tỉnh, TP còn lại tiếp tục tham gia thực hiện theo mô hình thí điểm hợp nhất.
Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019. Sau khi hết thời gian thực hiện thí điểm, các địa phương chủ động báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất để làm cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung 3 luật và tổ chức triển khai thực hiện vào nhiệm kỳ 2021 - 2026.