10 dự án StartUp ra mắt trong SIP100

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình Ươm tạo 100 ngày SIP100 (1 - 3/2018) dành cho các nhóm khởi nghiệp, giúp nhóm hiện thực hóa ý tưởng ​kinh doanh sẵn có đã được trường Đại học Ngoại Thương tổ chức giới thiệu chiều 8/5.

 Đại diện một nhớm StartUp giới thiệu về dự án của nhóm. Ảnh: Khắc Kiên
Thời gian qua, trường Đại học Ngoại Thương đã tổ chức hàng loạt các cuộc thi về startup như Khởi nghiệp cùng Kawai, Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam VSIC… Để lan toả nhiệt huyết đổi mới sáng tạo đến các bạn trẻ, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nhóm sau cuộc thi có thể triển khai trên thực tế và kết nối đầu tư, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trung âm FIIS) ​và Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Chương trình Ươm tạo 100 ngày SIP100.
PGS TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương cho biết, 100 ngày ươm tạo là giai đoạn hoàn thiện mô hình kinh doanh, chạy thử thị trường để đánh giá hiệu quả dự án. Đây cũng là bước đánh giá mức độ khả thi và phát triển của dự án để gọi vốn đầu tư. Sau 3 tháng của chuỗi chương trình SIP100, Demo Day là buổi thuyết trình và trưng bày sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) của các nhóm tham gia chương trình ươm tạo SIP từ trung tâm FIIS và các nhóm khởi nghiệp khác được chọn lọc từ cuộc thi khởi nghiệp. Chương trình là cơ hội để các dự án xuất sắc được chọn đặc cách vào chương trình ươm tạo, huấn luyện tiếp theo của các đơn vị đối tác của Trung tâm FIIS như Vietnam Silicon Valley, cũng như kêu gọi được vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Chương trình SIP100, có 10 nhóm StartUp tham gia.

SLIDEFACTORY.ASIA là doanh nghiệp thiết kế cung cấp dịch vụ thiết kế thuyết trình phục vụ cho khách hàng là người đi làm và doanh nghiệp tại Đông Nam Á. Khách hàng có nhu cầu có thể dễ dàng đặt hàng dịch vụ yêu cầu thiết kế qua website và nhận được sản phẩm trong tối đa 48 giờ.

NUVISRAEL là vườn ươm cây giống theo công nghệ Israel để giải quyết các vấn đề của người nông dân trong quá trình ươm giống. Chỉ với giá trung bình 500 đồng/cây con (giá dịch vụ tại vườn ươm chưa bao gồm giá hạt giống), người nông dân có thể nhận ngay cây trồng đạt tiêu chuẩn Global Gap mà không cần lo lắng về chất lượng cây giống.

HEARTY ​là ứng dụng trò chuyện, tâm sự giúp kết nối những người xa lạ lại gần nhau dựa trên tiêu chí phù hợp về độ tuổi, sở thích, giới tính, khoảng cách địa lí,...

MGREEN là giải pháp ứng dụng công nghệ Thẻ tích điểm trên điện thoại để tổ chức thu gom rác tái chế tại các hộ dân cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Thông qua hình thức khuyến khích các hộ gia đình phân loại rác để tích điểm và đổi quà, dự án được kỳ vọng sẽ từng bước tạo thói quen phân loại rác tại nhà và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

CSAM ​được thành lập để giải quyết các vấn đề mà sinh viên và các cán bộ quản lí tại các kí túc xá gặp phải về đăng kí lưu trú, quản lí dữ liệu, cung cấp dịch vụ trực tuyến...

VINARONGBIEN là dự án giải quyết thực trạng đầu ra của rong biển Việt Nam nói chung và rong biển Lý Sơn nói riêng. Dự án chế biến dạng thô của rong biển thành các sản phẩm nước uống đóng chai, trà thảo dược rong biển, cháo rong biển, mặt nạ dưỡng da rong biển và bột rong biển Lý Sơn.

Khởi nghiệp từ mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học ​là đề án xây dựng mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học cho hộ dân không có nước máy tại các cù lao, cồn nhỏ ở Bến Tre. Đưa ra phục vụ cộng đồng một bộ thiết bị lọc chậm bằng cát và than hoạt tính được thiết kế dành cho hô ̣gia đình dựa trên cách tiếp cận xử lý nước bằng phương pháp màng sinh học.

Dự án chế phẩm sinh học làm từ bã mía nuôi tôm tận dụng bã mía kết hợp với các dòng vi sinh vật có lợi giúp phân hủy tốt chất thải hữu cơ trong đáy ao, hạn chế các khí độc như NH3, NO2, lấn át hiệu quả các vi khuẩn gây bệnh trên tôm nuôi. Thành phần của bột bã mía có khả năng kích thích tảo có lợi trong ao nuôi...

GaT – GIVE AND TAKE là nền tảng kết nối người đọc sách thông qua các hoạt động mượn, trao đổi sách; chia sẻ thông tin tủ sách cá nhân; đánh giá và viết nhận xét sách; Với nền tảng này, GaT mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc và làm giảm các rào cản về khả năng tiếp cận đến việc đọc của giới trẻ.

TASA là doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tinh khiết từ phân tằm đầu tiên trên thị trường. TASA được tạo ra bởi niềm đam mê nông nghiệp hữu cơ bền vững nhằm tạo ra một thương hiệu phân bón xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần