10 năm sau mở rộng địa giới hành chính: Diện mạo và vị thế của Hà Nội đã chuyển biến vượt bậc

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị, đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018).

Cùng dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị.

Bộ mặt Thủ đô có nhiều đổi mới

Nhấn mạnh tầm quan trọng của báo cáo tổng kết 10 năm về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, với tinh thần nghiêm túc và mong muốn báo cáo đánh giá được toàn diện hơn, Thành ủy tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ về dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15. Mục đích nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP để hoàn thiện nội dung báo cáo cũng như các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để Thủ đô Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với niền tin yêu của cả nước.

Theo dự thảo báo cáo do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày, trong 10 năm qua, kinh tế của Hà Nội phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, không gian kinh tế mở rộng phát triển. Bên cạnh đó, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn 10 năm qua tăng gần 2 lần (năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng) và thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng/người (gấp 2,3 lần so với năm 2008). Thu chi ngân sách luôn bảo đảm được dự toán T.Ư và HĐND TP giao. Năm 2017, thu ngân sách đạt 212.276 tỷ đồng (gấp 3 lần so với năm 2008).
Ngoài ra, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Theo đó, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng; quy mô và diện mạo đô thị của TP đã được mở rộng, thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, văn minh.
Cùng với đó, TP cũng thực hiện tốt yêu cầu đảm bảo ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trong mọi tình huống. Hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hiệu quả. Công tác đối ngoại, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng và ngày càng nâng cao được vị thế, vai trò của Thủ đô trong nước, khu vực và quốc tế.
Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu ý kiến.

Hà Nội đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ
Ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP phát biểu tại hội nghị đều đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo công phu, kỹ lưỡng của Thành ủy. Bố cục, nội dung đã bao quát toàn diện kết quả trên các lĩnh vực. Theo các đại biểu, Nghị quyết 15 của Quốc hội đã đặt một dấu mốc lịch sử trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội và không gian để Thủ đô phát triển.

Một trong những kết quả nổi bật được các đại biểu đánh giá cao chính là công tác tổ chức bộ máy cán bộ. Theo đó, ngay sau khi hợp nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên tinh thần chủ động, sáng tạo, hợp tình hợp lý và nhân văn. Đặc biệt, với sự chia sẻ, hy sinh vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức đã giúp bộ máy chính quyền của TP vận hành thông suốt và là mấu chốt để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong suốt 10 năm qua.
Cùng với đó, Thành ủy cũng đã quan tâm, ban hành Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống nông dân, khắc phục những hạn chế về chênh lệch hạ tầng, mức sống của người dân khu vực thành thị và nông thôn. Cụ thể, TP đã ưu tiên nguồn lực lớn đầu tư cho hạ tầng khu vực nông thôn, tập trung dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập để ổn định đời sống.
Nêu bật những kết quả cũng như bài học kinh nghiệm trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, chủ trương hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hết sức đúng đắn. Bởi, nếu đặt câu hỏi ngược lại, không mở rộng vào thời điểm đó thì ngày nay Hà Nội có đủ không gian, nguồn lực để phát triển không và việc giải các bài toán về giao thông, phát triển đô thị, môi trường như thế nào.
“Chủ trương đúng, cùng với sự sát sao trong chỉ đạo, hỗ trợ của T.Ư, Hà Nội cũng rất chủ động, bài bản, khoa học trong tổ chức thực hiện. Quan trọng hơn là tinh thần đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, sự chấp hành, hy sinh, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã giúp Hà Nội thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 của Quốc hội. Đây là những bài học kinh nghiệm để Hà Nội làm tốt trong 10 năm qua và cần tiếp tục phát huy trong những năm tới”, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu ý kiến.
Theo nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể khẳng định Hà Nội đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Nhiều việc lớn và khó mà không có tinh thần đoàn kết, sự hy sinh vì sự nghiệp chung thì không thể thực hiện được.
Dẫn chứng về điều này, nguyên Chủ tịch UBND TP cho biết, khi mới hợp nhất, tổng thu ngân sách Hà Nội và Hà Tây cộng lại mới được khoảng 50.000 tỷ đồng thì đến nay tăng lên trên 200.000 tỷ đồng. Hà Nội hiện nay không chỉ thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, đối ngoại mà còn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác với các TP trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng, đi vào thực chất nên vị thế của Thủ đô không ngừng được nâng cao; diện mạo và kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn có bước thay đổi căn bản theo hướng văn minh, hiện đại… Những kết quả đó đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. Điều này đã tạo thế và lực mới để Hà Nội phát triển xứng đáng với vị thế Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân.

Cũng theo nguyên Chủ tịch UBND TP, chính tinh thần đoàn kết, đồng tâm hợp lực và ý chí tự lực, tự cường của Hà Nội là một trong những bài học kinh nghiệm quý. Nguyên Chủ tịch UBND TP cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh việc phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm thì Hà Nội cần tiếp tục cải tiến phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức sao cho chính quy, hiện đại để đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Lãnh đạo TP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với nguyên cán bộ, lãnh đạo TP qua các thời kỳ.

Cũng tại hội nghị, một số ý kiến góp ý khác của các đại biểu cho rằng, dự thảo báo cáo của Thành ủy cần đi sâu phân tích bối cảnh tình hình, những thuận lợi, đặc biệt là khó khăn, thách thức khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 15. Từ đó, đánh giá xem đến nay những khó khăn, thách thức đó đã được khắc phục như thế nào, đồng thời đã tạo ra những nhân tố mới gì cho sự phát triển của TP. Các đại biểu cũng lưu ý trong phần nhiệm vụ, giải pháp cần dự báo kỹ hơn những nhân tố nào tác động đến Thủ đô, những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển để có giải pháp chủ động khắc phục.
Tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, sau khi các quận, huyện, thị xã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành ủy đã tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo và đã xin ý kiến của các bộ, ban, ngành T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học.
“Những ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP hôm nay sẽ được Thành ủy tiếp thu và hoàn thiện dự thảo báo cáo quan trọng này để làm nổi bật hơn vai trò, vị trí, tầm vóc của Thủ đô sau 10 năm mở rộng”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần