10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm - Bài 2: Đừng hành động nửa vời

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng không đội MBH hoặc đội MBH giả, mũ không đạt chuẩn khi đi xe máy vẫn đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ chính ý thức của người dân nhưng phần khác là do cơ quan chức năng chưa có những giải pháp, hành động quyết liệt, triệt để.
4 bộ không xử lý nổi mũ giả

Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Nguyễn Đức Kha nhìn nhận, hiện nay, còn rất nhiều người dân sử dụng MBH kém chất lượng, mũ giả hoặc thậm chí là không đội MBH khi đi xe máy. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này là ý thức kém, một số người chưa lường hết được hậu quả nghiêm trọng khi xảy ra TNGT dẫn đến chấn thương vùng đầu nếu thiếu MBH. “Đáng nói hơn, một số biết, nhận thức được nhưng vì những lý do không chính đáng mà vẫn cố tình không chấp hành các quy định về MBH” - ông Kha bày tỏ.

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã thành thói quen của người dân Thủ đô. Ảnh:  Hải Linh

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Hà Đông) lại bộc bạch: “Nhiều khi vừa làm tóc hoặc trang điểm xong, đội MBH sợ hỏng nên mình không đội”(!). Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho quy định bắt buộc đội MBH khi đi xe máy chưa được thực hiện nghiêm túc. Một trong số đó là tình trạng buôn bán, lưu hành tràn lan MBH giả, mũ kém chất lượng. Ghi nhận thực tế trên một số tuyến đường phố Hà Nội cho thấy, những quầy hàng bán MBH “rởm” xuất hiện nhan nhản khắp nơi; mỗi chiếc chỉ khoảng từ 15.000 - 50.000 đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi còn không ít người dân chỉ đội MBH để đối phó với việc xử phạt, cơ quan chức năng lại để mặc cho MBH không đạt chuẩn lưu hành, dễ dàng đến tay người dân với giá rẻ, thì rất khó để thực hiện có hiệu quả Nghị định 32 của Chính phủ.

Phó Tổng giám đốc điều hành AIP Hoàng Thị Na Hương cho hay, vấn nạn buôn bán, lưu hành, sử dụng MBH “rởm” đã được đưa ra bàn thảo rất nhiều. “Một chiếc MBH kém chất lượng mà 4 bộ: GTVT, KH&CN, Công an, Công Thương vẫn chưa có cách nào xử lý đồng bộ, hiệu quả” - bà Hương chia sẻ. Không chỉ buông lỏng quản lý với việc buôn bán MBH “rởm”, công tác xử phạt hành vi đội MBH không đạt chuẩn cũng đang bị bỏ ngỏ. Nếu tiếp tục để tình trạng này kéo dài, những nỗ lực vận động người dân đội MBH đạt chuẩn khi đi xe máy trong suốt 10 năm qua có nguy cơ sẽ trở thành công “dã tràng xe cát”.

Câu chuyện ý thức

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng đặt vấn đề: “Câu chuyện ý thức ở đây đầu tiên là của người dân nhưng tiếp sau đó phải là của cơ quan chức năng”. Ông Thắng lý giải, để người dân có ý thức đội MBH đạt chuẩn nhằm tự bảo vệ mình khi xảy ra TNGT thì phải tích cực tuyên truyền, vận động. Nhưng bên cạnh đó, đã là quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giám sát, cưỡng chế người dân thực thi nghiêm túc. Lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông phải thôi làm ngơ trước tình trạng đội MBH “rởm” để đối phó. Bộ KH&CN, ngoài các tiêu chí nhận biết MBH có đạt chuẩn hay không, còn phải có những hướng dẫn cụ thể hay công cụ kiểm định phù hợp để CSGT dễ dàng phát hiện, xử phạt người đội MBH “rởm”. Quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải có quyết tâm cũng như biện pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng buôn bán, lưu hành MBH kém chất lượng, mũ giả đang tràn làn khắp nơi. “Cần phải đưa hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành MBH kém chất lượng ra trước pháp luật, xử lý hình sự để chấm dứt tình trạng bất chấp luật pháp, kiếm lợi từ việc “bán hiểm nguy” cho người dân” - ông Thắng nhấn mạnh.

Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình lại bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với nhóm đối tượng trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Ông Bình cho hay: “Hiện quy định bắt buộc đội MBH chỉ áp dụng đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Theo tôi cần quy định trẻ em mọi độ tuổi phải đội MBH khi đi cùng người lớn trên xe máy”. Bên cạnh đó, theo ông Bình, gia đình và thầy cô cần phải đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cũng như nhắc nhở học sinh phải tự bảo vệ mình với MBH khi đi xe đạp điện, xe gắn máy.

10 năm qua đã chứng kiến những chuyển biến rất lớn lao, chiếc MBH đã thực sự trở nên gắn bó, hữu ích với đại bộ phận người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, để quy định đội MBH khi đi xe máy đạt hiệu quả toàn diện, qua đó góp phần hạn chế thương vong do TNGT, cần nhiều hơn nữa những nỗ lực của cả người dân lẫn cơ quan chức năng.

Dường như vấn nạn buôn bán, lưu hành, sử dụng MBH “rởm” đang không được quan tâm, ngăn chặn đúng mức. Điều đó vừa thể hiện sự lúng túng, vừa cho thấy sự bàng quan của cả người dân lẫn các cơ quan thực thi pháp luật.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần