10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm - Bài 3: Làm nghiêm sẽ xóa được mũ “rởm”

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng xe máy trong 10 năm qua, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi đi xe máy?
- Trước hết phải khẳng định, đây là một quy định của pháp luật nhưng mang tính nhân văn rất cao. Bởi nó tác động tích cực đến ý thức tự bảo vệ mình của người dân, giúp giảm đến 60% tỷ lệ chấn thương vùng đầu, 40% tỷ lệ tử vong trong TNGT liên quan đến xe máy. Việc thực hiện quy định đội MBH trên toàn quốc đã có được thành công rất lớn sau 10 năm thực hiện và đã được cộng đồng khu vực, quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đáng băn khoăn. Đó là tỷ lệ đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mới đạt từ 50 - 60%; tỷ lệ trẻ em đội MBH mới đạt khoảng 40 - 50%. Đặc biệt là ở các TP lớn, tỷ lệ người sử dụng MBH không đạt chuẩn, mũ giả vẫn chiếm đến 40%, mà mục đích chính là chỉ để đối phó với quy định xử phạt. Thực tế này cho thấy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để quy định được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; để người dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của chiếc MBH đối với chính họ khi tham gia giao thông.
Theo ông, vì sao tỷ lệ trẻ em được trang bị MBH khi đi xe máy cùng người lớn lại thấp như vậy?
- Chúng ta vẫn đang trong quá trình tuyên truyền, vận động để người dân làm quen với quy định nên chưa tiến hành xử phạt gắt gao, dẫn đến tỷ lệ thấp. Thứ nữa là nhận thức của nhiều người lớn còn chưa đúng về việc bảo vệ con em mình bằng MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy.
Có một nghịch lý là người lớn, khỏe mạnh hơn, chủ động hơn thì đội MBH đầy đủ khi tham gia giao thông; trong khi trẻ em, những đối tượng yếu hơn, bị động hơn, có nguy cơ chịu rủi ro sinh mạng, sức khỏe lớn hơn lại không đội MBH. Làm cha mẹ, ông bà, ai cũng thương yêu con em mình, nhưng một việc rất đơn giản là bảo vệ con em bằng MBH lại chưa nhận thức được đầy đủ hết. Thực đáng buồn!
Vậy giải pháp nào để nâng cao tỷ lệ trẻ em được trang bị MBH khi đi xe máy cùng người lớn?
- Chúng tôi đang nghiên cứu về các yếu tố như độ tuổi, sức khỏe… để kiến nghị với Chính phủ, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn MBH trẻ em; đồng thời đưa chi tiết này vào dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của các bậc phụ huynh. Để bảo vệ con em mình, các bậc phụ huynh hãy tự giác trang bị MBH cho trẻ.
Người dân và cơ quan chức năng cần phải làm gì trước vấn nạn MBH “rởm”, thưa ông?
- Vì người dân rất khó phân biệt được MBH nào là đạt chuẩn nên theo tôi, cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý từ khâu cấp phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, niêm yết danh sách các thương hiệu MBH đạt chuẩn để người dân được biết. Ngoài ra, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải vào cuộc mạnh mẽ, liên tục kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng nhằm ngăn ngừa từ gốc việc buôn bán, sử dụng MBH “rởm”. Đối với những trường hợp cố tình bán MBH “rởm” cần đưa ra xử lý trước pháp luật, bởi đây là một sản phẩm liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe của con người.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần hình thành thói quen, khi đi mua MBH phải yêu cầu cửa hàng cung cấp hóa đơn, các giấy tờ liên quan đến sản phẩm. Đây là những bằng chứng rất quan trọng liên quan đến giao kết giữa người bán và người mua. Trong trường hợp xảy ra rủi ro liên quan đến chất lượng MBH, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào đó để xử lý người bán và buộc họ có trách nhiệm bồi thường cho người mua sử dụng nếu MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo ông, thời gian tới, cần có những giải pháp gì để duy trì và tăng cường hiệu quả việc thực hiện quy định đội MBH?
- Chúng tôi đã xác định chủ đề của năm ATGT 2018 là: Năm ATGT cho trẻ em. Chọn trẻ em làm trọng tâm tuyên truyền về ATGT có 2 ý nghĩa. Một mặt tăng cường nhận thức về ATGT, phòng tránh rủi ro TNGT cho trẻ. Mặt khác, trẻ em cũng chính là động lực để người lớn chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông, trong đó có quy định về đội MBH.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp không đội MBH hoặc đội MBH không đạt chuẩn ở tất cả các khu vực từ thành thị đến nông thôn. Cách thức tuyên truyền thực hiện quy định đội MBH cũng sẽ được đổi mới, trọng tâm là tuyên truyền từ gia đình, dòng họ đến cộng đồng. Thông qua các mối quan hệ gần gũi, chúng tôi sẽ vận động để cha mẹ nhắc nhở con cái, người cao tuổi tuyên truyền cho cả dòng họ, khu dân cư về các quy định của luật pháp khi tham gia giao thông… Tôi tin rằng hiệu quả của quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy sẽ được nâng cao rõ rệt thông qua hình thức tuyên truyền này.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần