10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm: Thiếu chế tài xử lý nên hiệu quả thấp

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đăng tải loạt bài “10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) - Mừng về lượng, lo về chất”, Kinh tế & Đô thị tiếp tục tìm hiểu để làm rõ những bất cập trong thực tế, khiến hiệu quả thực thi của quy định còn gặp nhiều hạn chế.

Chưa xử lý tận gốc
Thời gian qua, mặc dù đã có quy định về việc cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng MBH không đạt chuẩn, mũ giả, nhưng tình trạng mua bán vẫn diễn ra tràn lan. Nhìn vào con số thực tế Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hơn 40% lượng MBH đang được sử dụng hiện nay không đạt chuẩn. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng: “Nhiều đơn vị sản xuất, buôn bán MBH khi mang đi chứng nhận hợp quy thì dùng sản phẩm đạt chuẩn để hoàn thiện thủ tục. Nhưng sau đó về lại bán MBH “rởm” ra thị trường để kiếm lời”. Thực tế này cho thấy, công tác hậu kiểm, giám sát việc buôn bán, lưu hành MBH tại nhiều nơi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Muốn khắc phục tình trạng đó, cần nhất là chính quyền cơ sở phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, kiểm tra, xử lý nghiêm những người bán MBH “rởm” cho người tiêu dùng.

Đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen của nhiều người dân khi tham gia giao thông. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều chuyên gia lại bày tỏ sự quan tâm đến công tác tuần tra, xử lý vi phạm sử dụng MBH không đạt chuẩn của lực lượng CSGT. TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) cho rằng, rất khó để nhận định những chiếc MBH giả hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng qua vẻ bề ngoài, cho dù có biết cũng không thể xử phạt nếu không chứng minh được. Ông Thạch Minh Quân lý giải, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường hiện nay chưa được trang bị các thiết bị để kiểm định tại chỗ, phát hiện MBH “rởm”. “Nếu không chứng minh được thì rất khó xử phạt, thậm chí dẫn tới xung đột, va chạm với người dân. CSGT cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như thiết bị để kiểm định tại chỗ thì công tác kiểm tra, xử lý mới có hiệu quả như mong muốn” - ông Quân nhận định. Cùng với đó trên nhiều tuyến phố không ít cửa hàng vẫn bày bán các loại mũ không đạt chất lượng nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Có thể thấy, chừng nào công tác kiểm soát đầu vào còn bị bỏ ngỏ, MBH “rởm” còn lưu hành rộng rãi trên thị trường thì người dân vẫn còn sử dụng và lực lượng CSGT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc giám sát người dân thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi đi xe máy.

Làm rõ trách nhiệm người bán

Hiện nay, nhiều người dân vẫn chấp nhận mua và sử dụng MBH “rởm” bởi giá rất rẻ mà khi sử dụng vẫn có thể qua mặt được lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác cũng rất quan trọng tác động đến tâm lý của người dân. Anh Trần Thanh Tùng (Ba Đình) cho hay, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện người bán phải chịu trách nhiệm khi người dùng bị thiệt hại liên quan MBH “rởm”. Một số người bán MBH, khi được hỏi, cũng cho rằng không có quy định nào của pháp luật buộc họ phải chịu trách nhiệm đối với nạn nhân bị các chấn thương liên quan đến MBH “rởm”. Vào vai một người mua mũ hỏi đến hóa đơn mua bán MBH, phóng viên được một người bán MBH trên vỉa hè đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân) thẳng thắn nói: “Cần cái mũ để đối phó công an thôi thì đừng đòi hỏi hóa đơn, chứng từ gì. Mà có đòi tôi cũng chẳng lấy đâu ra, không mua thì thôi”.

Thực tế này cho thấy, các quy định về MBH vẫn còn một lỗ hổng rất lớn liên quan đến trách nhiệm của người bán. Trong khi việc tuyên truyền, vận động, kể cả kiểm tra, xử phạt người đội MBH không đạt chuẩn còn nhiều khó khăn, hạn chế, việc siết chặt quy định đối với trách nhiệm của người bán sẽ là một biện pháp rất hữu hiệu. Anh Trần Thanh Tùng chia sẻ: “Nếu có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của người bán thì chắc chắn những người mua sử dụng MBH sẽ phải tự ý thức, yêu cầu họ xuất hóa đơn mua bán. Tin chắc những người bán MBH sẽ phải cân nhắc trước khi đưa sản phẩm đến cho chúng tôi”.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc yêu cầu người sản xuất, buôn bán MBH phải xuất hóa đơn mua bán cho khách hàng sẽ mang lại nhiều tác dụng tích cực hơn nữa. Bởi, ngoài ý nghĩa là một giao kết trách nhiệm với người mua sử dụng, việc đó còn giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh, sản xuất MBH, tránh thất thu thuế và ngăn chặn ngay từ gốc việc lưu hành MBH không đạt chuẩn.
Theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho thấy 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ sự gia tăng đội mũ bảo hiểm trong 10 năm qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần