10 sự kiện khoa học công nghệ Việt nổi bật năm 2018

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sự kiện được lựa chọn theo từng lĩnh vực như: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế, khoa học xã hội và nhân văn, tôn vinh các nhà khoa học.

Mới đây, Câu lạc bộ Nhà báo KHCN Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) chính thức công bố 10 sự kiện khoa học công nghệ của Việt Nam nổi bật nhất trong năm 2018. Không chỉ có sự tham gia bình chọn sự kiện của các nhà báo và cơ quan truyền thông, kết quả còn có sự thẩm định của các nhà khoa học uy tín.
1. Hệ tri thức Việt số hóa chính thức được vận hành
Đây là đề án đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam”, Hệ tri thức Việt số hóa được thiết lập để hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực.
Đây là hệ thống tổng hợp tri thức trong nhiều lĩnh vực.
Đề án này góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện để mọi người học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, thúc đẩy phát triển đất nước. Đây được xem là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
2. Công trình “cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”
Đây là đề tài được tiến sĩ Trần Đình Phong - Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng với nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thành công. Đề tài được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
Công trình đã được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018
Nghiên cứu của tiến sĩ Phong và cộng sự đã chứng minh thành công cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một loại vật liệu dễ chế tạo với giá thành thấp có khả năng thay thế bạch kim cho phản ứng điều chế nhiên liệu sạch H2 từ nước. Nghiên cứu của Tiến sĩ Phong là một bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường.
3. Hệ thống tính cước thời gian thực của Viettel đoạt giải vàng kinh doanh quốc tế
Phần mền vOCS 3.0 của Viettel được ban giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo; tác động đến số người sử dụng lớn.
vOCS 3.0 được sử dụng tại 11 quốc gia trên thế giới
Hiện tại, phần mềm vOCS 3.0 của Viettel đã được đưa vào sử dụng tại 11 nước trên thế giới với 170 triệu thuê bao di động và dung lượng mỗi site có thể đáp ứng lên đến 100 triệu thuê bao. Tính ưu việt nhất của phần mềm là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước, từ đó mở ra cơ hội ứng dụng vOCS 3.0 ra nhiều nước trên thế giới.
4. Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ
Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu do thạc sĩ Lê Văn Luân và cộng sự thực hiện. Đề tài đã được nghiệm thu loại xuất sắc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản.

Máy làm đá tuyết từ nước biển được chế tạo dựa trên các nguyên vật liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển. Nước sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết theo nhiệt độ xác định.
So với đá tuyết nước truyền thống, đá tuyết làm từ nước biển là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ - 6 độ C đến -2 độ C, có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc ngăn bảo quản cá trên tàu.
Dùng đá tuyết bảo quản hải sản giúp thời gian bảo quản cá trên tàu lâu hơn nhờ nhiệt độ bảo quản thấp hơn đá nước ngọt, tốc độ làm lạnh hải sản nhanh hơn, làm tăng chất lượng của hải sản, giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng, hủy bỏ, góp phần bảo vệ môi trường.
5. Vingroup ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng
 
Với mục tiêu tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới. Đây là hoạt động đầu tư lĩnh vực khoa học và công nghệ có ý nghĩa của một doanh nghiệp lớn
6. Nhà máy sản xuất thiết bị điện công nghệ cao Á Châu
 
Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lĩnh vực sản xuất, tích hợp - phát triển, quản lý vận hành, giám sát tự động hóa hệ thống năng lượng khi Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia trên toàn thế giới có doanh nghiệp được ký kết hợp tác toàn diện và chuyển giao công nghệ cao
7. Các hoạt động quốc tế về cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra tại Việt Nam
 
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Diễn đàn có mục đích phục bụ việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia chủ động, có hiệu quả cách mạng 4.0, tuyên truyền cho cộng đồng xã hội về cách mạng công nghệ 4.0, tạo cơ hội tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nhất là công nghệ 4.0.
8. Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận Giải thưởng Dirac 2018
Ngày 8/8/2018, Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) trao giải thưởng vật lý Dirac 2018 cho giáo sư Đàm Thanh Sơn cùng với 2 nhà vật lý Subir Sachdev (Đại học Harvard) và Xiao - Gang Wen (Viện Công nghệ Masachusetts).
Giáo sư Đàm Thanh Sơn
Họ đã tìm ra các định cơ học lượng tử ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các nhóm hạt rất nhỏ. Ba nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng giúp phát hiện các pha mới của vật chất và làm rõ quá trình chuyển tiếp giữa các pha khi những yếu tố tác động bên ngoài như nhiệt độ và áp suất thay đổi.
9. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh “nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” tại Pháp nhờ những đóng góp cho ngành y tái tạo. Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Hiệp hiện đang thí nghiệm kiểm tra keo để tối đa hóa sự an toàn và hiệu quả của vật liệu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (áo dài đỏ) nhận giải cùng 14 nhà khoa học nữ từ năm châu lục 
Mục tiêu cuối cùng là thu được một sản phảm có thể dán ngay lập tức lên tất cả các loại vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và thúc đẩy sự tái tạo mô nhanh. Khi dán keo lên, keo sẽ tạo thành một lớp màng để ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sinh vật.
10. Phát hiện di tích cư trú của người tiền sử tại hàng động núi lửa ở Krông nô, Đắk Nông
Lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung thêm cho một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ Basalt Tây Nguyên. Đây được xem là bước ngoặt cho việc nghiên cứu nhân chủng học/cổ nhân học ở Việt Nam.
Một số hiện vật phát hiện được trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên.
Di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở Việt Nam cũng như trên thế giới khá phổ biến nhưng trong hang động núi lửa chưa có tài liệu nào công bố. Đây là di cốt đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa ở Việt Nam và Đông Nam Á, hiếm gặp trên thế giới. Kết quả khai quật đã cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho việc phục dựng, tái hiện sinh cảnh người tiền sử. Đồng thời đóng góp bằng chứng có tính thuyết phục cao cho việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông.