10 sự kiện mang tính đột phá của du lịch Việt Nam trong năm 2016

Theo Toquoc.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đã gặt hái thành tích đầy ấn tượng với việc đón 10 triệu lượt khách. Có được kết quả này, không thể không nhắc đến 10 sự kiện du lịch mang tính đột phá dưới đây:

1. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 16/1, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ Chính trị khẳng định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tùy điều kiện, tình hình thực tiễn, không nhất thiết địa phương nào cũng phải xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

 Du khách trải nghiệm không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. 

Nghị quyết 08 đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Đồng thời, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành kinh tế xanh phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để đạt được những con số ấn tượng đó, Nghị quyết 08 đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp then chốt, gồm: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Và tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là được giới chuyên môn xem như “bệ phóng” sớm đưa ngành công nghiệp không khói cất cánh.3. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại Thành phố Hội An (tháng 8/2016)

2. Hội nghị “Diên Hồng” về phát triển du lịch Việt Nam

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại thành phố Hội An vào tháng 8.2016. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó tập trung một số nội dung cụ thể về thủ tục nhập cảnh, phát triển hạ tầng giao thông, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch.

3. Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc được triển khai nghiêm túc và có sức lan tỏa trong toàn ngành

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch (9/8/2016), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về việc khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc, Tổng cục Du lịch đã triển khai Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại 20 tỉnh/thành là địa bàn trọng điểm về du lịch. Chiến dịch nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Từ đó, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, giáo dục ý thức ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện tại các cơ sở lưu trú. Trong Chiến dịch này, Tổng cục Du lịch đã thu hồi Quyết định công nhận hạng sao đối với 36 khách sạn từ 3-5 sao.

4. Thí điểm cấp visa điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

Sáng 22/11/2016, với 91.08% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời hạn hai năm, áp dụng từ ngày 1/2/2017. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp du lịch, visa điện tử là bước đi đột phá, được xem là một "đòn bẩy" thu hút khách du lịch các nước đến Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những giải pháp thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để giúp du lịch phát triển.

5. Hàng chục Sở Du lịch được thành lập hoặc tái thành lập

Dù các Sở còn gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là tín hiệu thể hiện quyết tâm của các địa phương coi trọng phát triển du lịch như là mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế, xã hội. Theo đó, đến nay đã có tổng cộng hơn mười địa phương chính thức thành lập Sở Du lịch, bao gồm: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Nghệ An.

Theo Tổng cục Du lịch, con số này bằng với số lượng Sở Du lịch theo QĐ Số 171-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 4 năm 1993 gồm 10 Sở: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh.

6. Tổ chức thành công không gian đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Hà Nội lần đầu tiên triển khai không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ ngày 1/9/2016. Đến nay, chủ trương này đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ phía người dân và du khách. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận gắn kết với không gian đi bộ trong khu phố cổ đã tạo ra không gian vui chơi văn minh, sạch sẽ và thân thiện cho người dân Thủ đô, thu hút lượng lớn du khách trong, ngoài nước ghé thăm. Điều đáng ghi nhận là Hà Nội tăng cường nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, do vậy không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã thêm phần hấp dẫn hơn trước.

Theo thống kê, trung bình ban ngày lưu lượng người đến thăm phố đi bộ vào khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người. Lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú tăng nhanh. Đơn cử trong 11 tháng năm 2016 lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú khoảng gần 1,4 triệu lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2015.

7. Hà Nội “chi” 2 triệu đô la quảng bá du lịch trên CNN

Ngày 22/12/2016, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, TP. Hà Nội đã ký kết Bản ghi nhớ chương trình hợp tác tuyên truyền, quảng bá với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN trong năm 2017 và 2018.

 Việc Hà Nội chi 2 triệu USD quảng bá du lịch Thủ đô và cả nước trên kênh CNN được giới chuyên môn đánh giá cao.

Theo chương trình hợp tác chiến lược giai đoạn 2017-2018, Mạng tin tức truyền hình cáp CNN sẽ hợp tác với TP. Hà Nội sản xuất 3 phim quảng cáo 30s cùng các phim 60s, phóng sự 3-5 phút, chương trình đặc biệt 30 phút trên truyền hình; các trang giới thiệu riêng về Hà Nội như “Hà Nội-Trái tim Việt Nam”, “Hà Nội-Cái nôi của di sản”, “Hà Nội của tôi”, “Hà Nội góc nhìn” trên trang CNN.com và bài viết trên mạng xã hội Facebook, Twitter cùng các banner quảng cáo.

Khu vực phát sóng gồm: châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á. Chương trình thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm thiết thực, hiệu quả, bình đẳng, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và phạm vi thẩm quyền của mỗi bên.

Theo Bản ghi nhớ, kinh phí hợp tác chương trình mỗi năm là 1 triệu USD, kinh phí này đã được giảm giá 53% không bao gồm phần giá trị tăng thêm.

8. Khánh thành cáp treo Fansipan Sapa đạt 2 kỷ lục thế giới tại Lào Cai

Ngày 2/2/2016, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Sun Group đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại Châu Á - Fansipan Sapa tại Sapa, Lào Cai.

Tại lễ khai trương, đại diện Kỷ lục Thế giới - Guinness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa là: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6292.5m. Tuyến cáp treo Fansipan Sapa được khởi công vào tháng 11/2013, do Tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số 1 thế giới Doppelmayr Garaventa.

Cáp treo Fansipan đi vào hoạt động đã hiện thực hóa giấc mơ chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” cho đông đảo người dân, mở ra bước ngoặt quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển cho ngành du lịch Sapa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

9. Khởi công Công viên văn hóa, du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế bằng nguồn xã hội hóa tại Hà Nội

Đây là lần đầu tiên, Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng, Công viên Kim Quy trải rộng trên diện tích hơn 100 ha, được thiết kế kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu.

Cùng với sự đặc sắc trong thiết kế, công viên Kim Quy hội tụ những trò chơi công nghệ cao hàng đầu thế giới. Nơi đây sẽ bao gồm những trò chơi thực tế ảo, game giải trí công nghệ cao, hiện đại.

Công viên ngoài trời được thiết kế theo các chủ đề với điểm nhấn là vòng xoay Sun Wheel và khinh khí cầu, giúp du khách có thể ngắm nhìn Hà Nội thanh bình từ trên cao. Cạnh đó là quần thể khu nghệ thuật, Làng văn hóa Kim Quy - nơi sẽ diễn ra các show diễn nghệ thuật lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, các con đường rợp bóng cây xanh.

Giai đoạn 1 của Công viên Kim Quy dự kiến hoàn thành trong vòng 18 tháng và sẽ được đưa vào phục vụ năm 2018.

10. Quảng Ninh: Khai trương vòng quay Mặt Trời cao nhất thế giới

Ngày 25/6/2016, tại Khu Du lịch Bãi Cháy, Tập đoàn SunGroup chính thức tổ chức Lễ khai trương hệ thống cáp treo Nữ Hoàng và vòng quay Mặt Trời, một trong những công trình nằm trong Tổ hợp dự án Công viên Đại Dương do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư.

Vòng quay Mặt Trời Hạ Long cao 215m so với mực nước biển, là vòng quay mặt trời cao nhất thế giới hiện nay, vòng quay này được xây dựng trên đình đồi Ba Đèo (phường Hồng Gai, TP Hạ Long).

Cùng với vòng quay Mặt Trời là hệ thống cáp treo Nữ Hoàng có 3 cabin sức chứa 230 khách/cabin, có điểm đầu từ Khu Du lịch Bãi Cháy chạy xuyên qua vịnh Cửa Lục, song song với cầu Bãi Cháy lên đỉnh đồi Ba Đèo dài gần 1,5 km. Chiều cao tĩnh không của cáp treo cao hơn so với cầu Bãi Cháy 30 m. Với độ cao như vậy cho phép du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh TP Hạ Long và phần lớn Vịnh Hạ Long.

Sự ra đời của hai công trình hoành tráng này góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Quảng Ninh, góp phần thu hút du khách đến với địa phương này.