100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tài trợ dạy nghề

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc đào tạo nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để sau này có thể chủ động được trong cuộc sống”.

Đó là kỳ vọng của Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Lê Thành Vinh tại Lễ tiếp nhận dự án “Nâng cao chất lượng số cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” diễn ra ngày 1/3, tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số 2 Hà Nội.

Với sự tài trợ của Công ty TNHH Johnson&Johnson Việt Nam và Quỹ Johnson Châu Á Thái Bình Dương, năm nay dự án sẽ mở 3 lớp dạy nghề cho 100 trẻ em từ 10 đến 16 tuổi, có hoàn cảnh đặc biệt của hai đơn vị là Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn và Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số 2 Hà Nội.

Thời gian học mỗi lớp 30 ngày. Các em sẽ được hướng dẫn cách làm bưu thiếp, phong bì, hoa và các sản phẩm từ mây, tre, đan… Sau khóa học, các em có thể làm các sản phẩm bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, có 2 lớp tập huấn cho 60 giáo viên của 2 trung tâm này được tổ chức trong 10 ngày nhằm nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ và cách phát hiện sớm nhất trẻ có hành vi tự kỷ, hướng phục hồi chức năng…

Tại lễ tiếp nhận, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đặng Văn Bất khẳng định tầm quan trọng của việc hướng nghiệp dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm. Ông cũng đánh giá cao kết quả của dự án năm trước đã đạt được cũng như đề xuất với nhà tài trợ tiếp tục triển khai với quy mô rộng hơn.

Đối với 2 trung tâm thụ hưởng dự án, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Đặng Văn Bất đề nghị có trách nhiệm đôn đốc, quản lý các cháu. Hai trung tâm phối hợp chặt chẽ với đơn vị dạy nghề có cách đào tạo phù hợp để các cháu lĩnh hội được kiến thức cũng như kỹ năng làm nghề.

Thông tin từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, từ tháng 11/2015 đến 3/2016, dự án “Dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” do Công ty TNHH Johnson&Johnson Việt Nam và Quỹ Johnson Châu Á Thái Bình Dương tài trợ được thực hiện tại Làng trẻ em Birla Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 và Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số 2 Hà Nội.

Đã có 5 lớp dạy nghề được mở ra cho 100 em có hoàn cảnh đặc biệt từ 15 đến 18 tuổi đang được nuôi dưỡng và giáo dục tại 3 đơn vị trên. Kết thúc khóa học đa số các em đều có thể làm ra được những chiếc nón lá đảm bảo đúng kỹ thuật và đạt định mức đề ra.