1.050 năm thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt Nghệ thuật kể chuyện lịch sử

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối nay (24/4), chương trình nghệ thuật sử thi hoành tráng mang tên “Hoa Lư Đại tập trận” sẽ diễn ra tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Câu chuyện lịch sử 1.050 năm ấy nằm trong chuỗi các sự kiện mang tính điểm nhấn gợi nhớ nơi Vua Đinh Bộ Lĩnh lựa chọn, đặt nền móng cho nước Việt Nam thời phong kiến tập quyền T.Ư đầu tiên, với tên nước Đại Cồ Việt.
Điểm nhấn hoành tráng

Thế kỷ X được mệnh danh là “thế kỷ bản lề”, đánh dấu giai đoạn chuyển giao từ kỷ nguyên bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc sang kỷ nguyên độc lập tự chủ của đất nước. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thái Bình, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Kinh đô Hoa Lư là nơi phát tích của các triều đại phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc. Nhưng kể lại câu chuyện lịch sử cuốn hút, đã cách thời nay 1.050 năm không phải là việc dễ làm với nhiều tác giả. Chính vì vậy, sau khi xem xét, đánh giá nhiều nội dung kịch bản, hình thức dàn dựng và phương án thiết kế của nhiều tác giả, tỉnh Ninh Bình cùng các nhà cố vấn sử học quyết định lựa chọn đạo diễn Lê Quý Dương làm tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn lễ kỷ niệm. Nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng và Trần Đình Ngôn làm Cố vấn lịch sử, văn học. Họa sĩ Phùng Nam Thắng thiết kế sân khấu.
Bối cảnh sân khấu của chương trình 'Hoa Lư đại tập trận' phát sóng trực tiếp trên VTV1 vào 20 giờ tối 24/4.
Lê Quý Dương nổi tiếng với vai trò làm Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản của các festival, hay chương trình nghệ thuật hoành tráng; nhưng phải kể sao cho hấp dẫn một chương trình mang nhiều yếu tố lịch sử là một thách thức. Toàn bộ chương trình Lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Hoa Lư đại tập trận”, theo bật mí của đạo diễn Lê Quý Dương, sẽ là một câu chuyện dài với 9 trường đoạn, cũng là 9 đại cảnh lớn. Chương trình sẽ được dàn dựng theo phong cách huyền thoại sử thi, mở đầu với hình ảnh một ông cụ ngồi kể chuyện cho các cháu thiếu nhi, câu chuyện kéo dài từ thời đại Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận đến thời đại Hồ Chí Minh. Chương trình dự kiến huy động 500 nghệ sĩ, diễn viên; với tổng số 2.000 bộ trang phục. 56 nhà sư đang trụ trì tại các chùa ở Ninh Bình sẽ tham gia chương trình với phần niệm chú trên nền nhạc ca ngợi công đức của Đinh Tiên Hoàng và đại sư Ngô Chân Lưu, người được Đinh Tiên Hoàng phong Tăng Thống quốc sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Nên chọn ngày quốc lễ?

Lễ kỷ niệm là chương trình trọng tâm của một chuỗi gần 50 sự kiện diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình trong không khí kỷ niệm 1.050 năm Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, chính thức lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Bình, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt. Cho dù sử sách không quên ngợi ca công ơn của Đinh Tiên Hoàng, nhưng trên thực tế, chưa có một ngày lễ chính thức, diễn ra hàng năm để kỷ niệm dấu ấn lịch sử quan trọng này. Theo quan điểm của PGS.TSKH Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam: “Có lẽ việc đề xuất một quốc lễ có tầm mức sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tôn vinh tưởng nhớ về vai trò, ý nghĩa của nước Đại Cồ Việt là một việc đáng để nghĩ đến”.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Vũ Minh Giang cũng cho rằng ngày Đinh Bộ Lĩnh lập ra nước Đại Cồ Việt cũng xứng đáng được chọn là ngày lễ quốc gia. Việc lựa chọn ngày quốc lễ sẽ tiếp tục được các nhà khoa học, lịch sử bàn thảo; trong đó sẽ đặc biệt nhấn mạnh lại tinh thần tự chủ, tự quyền; ý chí độc lập cũng như vai trò đưa Phật giáo làm quốc giáo của Việt Nam dưới thời kỳ này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần