11 ngành nghề được lập tập đoàn kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Về hoạt động, công ty mẹ sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn, định hướng chiến lược kinh doanh các công ty con theo chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn.

KTĐT - Về hoạt động, công ty mẹ sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn, định hướng chiến lược kinh doanh các công ty con theo chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn.

Cùng thời điểm Quốc hội bàn thảo về hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, Chính phủ vừa ban hành Nghị định về thí điểm thành lập và quản lý tập đoàn nhà nước với những quy định bước đầu về mô hình doanh nghiệp này.

Theo nghị định này, các ngành nghề được pháp thành lập tập đoàn kinh tế bao gồm bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin; đóng mới, sửa chữa tàu thủy; sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối dầu khí; khảo sát, thăm dò, chế biến than và khoáng sản; dệt may; trồng, khai thác, chế biến cao su; sản xuất, kinh doanh phân bón và các sản phẩm hóa chất; đầu tư và kinh doanh bất động sản; công nghiệp xây dựng và cơ khí chế tạo; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Ngoài ra là những ngành khác theo quyết định của Thủ tướng.

Công ty mẹ khi thành lập tập đoàn cần có vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn tối thiểu quy định đối với công ty mẹ tập đoàn kinh tế nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực kinh doanh theo quyết định của Thủ tướng.

Tập đoàn cũng cần có nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan, quản lý vốn đầu tư và quản trị, điều hành, phối hợp hoạt động của các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết.

Về hoạt động, công ty mẹ sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn, định hướng chiến lược kinh doanh các công ty con theo chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn. Trong đó, sẽ có quy chế quản lý, điều hành và tiêu chuẩn, định mức áp dụng thống nhất trong tập đoàn.

Công ty mẹ cũng phân loại doanh nghiệp thành viên theo vị trí và tầm quan trọng trong chiến lược phát triển chung của tập đoàn, xác định danh mục ngành nghề kinh doanh chính, danh mục doanh nghiệp thành viên chủ chốt, định hướng doanh nghiệp thành viên theo ngành nghề kinh doanh chính. Cùng với đó là định hướng người đại diện đảm bảo quyền chi phối của công ty mẹ tại các doanh nghiệp chủ chốt, chống lại việc thôn tính của các tập đoàn kinh tế hoặc doanh nghiệp khác.

Trong nội bộ một tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp bị chi phối không được mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng tập đoàn. Doanh nghiệp thành viên của tập đoàn phải tập trung kinh doanh trong các ngành nghề chính và chịu sự giám sát của chủ sở hữu nhà nước về việc đầu tư và tỷ lệ vốn đầu tư vào ngành chính cũng như ngoài ngành.

Trường hợp công ty mẹ trực tiếp hoặc thông qua công ty con kinh doanh các ngành nghề không liên quan đến ngành chính thì phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong ngành chính và việc kinh doanh ngoài ngành không làm ảnh hưởng đến ngành chính.

Ngoài ra, công ty mẹ thuộc tập đoàn có trách nhiệm sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo đặt hàng và kế hoạch được nhà nước giao. Với các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, công ty con có quyền tham gia đấu thầu trong các dự án của công ty mẹ hoặc của các công ty khác cùng tập đoàn.