12 giờ chiến đấu với giặc lửa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bà Hỏa” hỏi thăm cánh rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Sóc Sơn đúng vào ngày Hà Nội đang trong đợt nắng nóng kỷ lục khiến cho công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Trong sức nóng kinh hoàng của “vành đai lửa” lẫn thời tiết, hàng ngàn người thuộc các lực lượng đã kiên cường chiến đấu suốt 12 giờ đồng hồ để dập tắt đám cháy rừng lớn nhất trong hàng chục năm qua.
Trận cháy kinh hoàng
Có lẽ chưa bao giờ người dân xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn lại có một đêm thao thức mất ngủ vì lo lắng như tối ngày 5/6, khi gần 10 giờ đồng hồ trôi qua mà ngọn lửa vẫn cháy sáng rực cả quả núi. Đi trên tuyến đường Tỉnh lộ 35 vào buổi tối, từ cách xa vài cây số đã thấy hiện lên cả một vùng sáng ánh lên màu vàng đỏ của lửa. Càng đến gần địa điểm xảy ra đám cháy thuộc thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn, “vành đai lửa” hiện ra càng rõ, chạy nham nhở trên sườn núi giống như dòng dung nham núi lửa tuôn chảy, khiến cho ai cũng bàng hoàng. Khói bụi mù mịt bốc lên từ những chỏm núi, tiếng lá cây, cành cây chứa dầu bị cháy nổ tanh tách. Giữa cái nóng oi ả của ngày Hè, người dân địa phương đổ ra kín đường, đứng thành tốp, nín thở theo dõi quá trình chữa cháy của lực lượng chức năng.

Đám cháy rừng thuộc địa phận thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn.

Vẻ mặt chưa hết sự hoảng hốt, lo sợ, chị Vũ Thị Nhâm, xóm 5, thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn cho biết, hàng chục năm sinh sống ở địa phương, đây là lần đầu tiên chị chứng kiến đám cháy rừng lớn và kéo dài đến vậy. Chị Nhâm kể, 1 giờ 30 phút chiều 5/6, nghe tiếng hô hoán của người dân trong thôn báo cháy rừng, chị cũng sấp ngửa chạy theo cùng mọi người leo lên bìa rừng tham gia chữa cháy. Mỗi người tự trang bị cho mình nào dao phát cây, cành cây tươi để dập lửa. “Chúng tôi ra sức phạt cây, cắt đường băng cản lửa nhưng do trời nắng nóng, ngọn lửa bắt nhanh, gió thổi lớn táp hơi nóng và khói bụi vào mặt bỏng rát, ngột ngạt khiến cho cơ thể nhanh xuống sức. Đường băng cản lửa rộng hàng chục mét mà ngọn lửa vẫn liếm qua được khiến cho ai nấy cũng sững sờ, lo sợ” – chị Nhâm chia sẻ.
Suốt từ chiều cho đến tối ngày 5/6, khi đám cháy vẫn lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại, người dân xã Hoa Sơn đứng ngồi không yên, nhất là những hộ ngay sát chân núi. Tất tả chạy ra chạy vào ngôi nhà tầng khang trang dưới chân núi hỗ trợ lực lượng chức năng tìm cách chữa cháy, bà Phạm Thị Trúc, xóm 5, xã Hoa Sơn lộ rõ vẻ sợ sệt bởi nhà bà chỉ cách mép lửa chừng vài mét. Bà Trúc chia sẻ: “Khi nhìn thấy ngọn lửa bùng lên trên ngọn núi phía sau nhà, chân tôi run không bước nổi vì chỉ sợ cháy vào nhà thì không biết bao giờ mới làm lại được”. Dù có nhiều năm kinh nghiệm ứng phó với cháy rừng nhưng trận cháy lớn lần này khiến cho vợ chồng bà Trúc khá bối rối, chỉ kịp bảo hai cô con dâu đưa mấy đứa cháu nội đi sơ tán vì khói đã sộc vào đến nhà. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, 20 giờ tối 5/6, vợ chồng bà Trúc phải gọi thợ cưa đến cưa hơn 30 cây xanh phía sau nhà để làm đường cản lửa. Mặc dù ngọn lửa chưa bén vào nhà, song đám cháy rừng đã kịp thiêu rụi 0,5ha rừng keo của gia đình bà Trúc, ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
Kiên cường dập lửa
Đám cháy xảy ra thuộc khu vực rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội quản lý, bắt đầu từ địa bàn xã Hồng Kỳ, sau đó lan sang địa phận xã Phù Linh và Nam Sơn, trong đó gây thiệt hại nặng nhất là xã Nam Sơn. Theo các lực lượng chức năng tại hiện trường, do vụ cháy xảy ra vào thời điểm giữa trưa, trời nắng gắt, khói không thoát lên mà bay là là nên rất khó phát hiện ngay. Mãi tới khi hình thành cột khói cao ngút hàng chục mét thì đám cháy đã lan ra diện rộng. Bất chấp thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt, nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40oC, hàng trăm người dân cùng các lực lượng cảnh sát PCCC, quân đội, kiểm lâm… đã quyết liệt lao vào chữa cháy. Lực lượng được huy động tham gia chữa cháy có lúc lên tới gần 2.000 người nhưng vẫn phải chạy đua với tốc độ lây lan của ngọn lửa. Ngay trong chiều và tối 5/6, có khoảng 20 hộ dân trên địa bàn xã Nam Sơn đã phải tiến hành sơ tán. Nhiều xe chữa cháy được tập trung ở chân núi, ưu tiên bảo vệ an toàn cho nhà dân.
 Lực lượng PCCC mất 12 giờ mới dập tắt đám cháy
23 giờ đêm 5/6, nghĩa là 10 giờ đã trôi qua kể từ khi đám cháy bùng phát, ngọn lửa vẫn bùng lên dữ dội theo chiều gió tạt. Đứng từ ngoài Tỉnh lộ 35, cách chân núi chừng 500m vẫn cảm nhận rõ rệt sức nóng của lửa. Xe cứu hỏa liên tục được điều động vào hiện trường vụ cháy, bộ đội, chiến sĩ PCCC hối hả triển khai phương án cứu hỏa. Theo con đường đất tiến về phía đám cháy, càng lại gần, sức nóng càng gia tăng. Từng chùm tàn lửa bay lên không khí như vệt pháo sáng rơi kèm theo tiếng lửa cháy tanh tách. Dưới chân núi, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát PCCC tích cực kéo đường ống dẫn nước lên để dập lửa.
Đi tắt qua một nhà dân, tôi men theo con đường nhỏ theo hướng đám cháy tìm lên nơi ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội. Một chiến sĩ công an khuyên tôi nên dừng lại, đứng ở dưới chân núi vì bên trên rất nguy hiểm, không chỉ có khói lửa mà đường mòn đi lại khó khăn, thậm chí có cả rắn rết chạy ra. Tận dụng ánh sáng vừa đủ từ đèn pin điện thoại, tôi dò dẫm tìm lối đi bám theo đường dây dẫn nước lên cao trên sườn núi. Dưới chân, tàn lửa vẫn đỏ rực. Một số cành cây còn cháy dở, mùi tro ấm còn thơm hương cỏ cây. Những vệt lửa đi qua để lại vùng cháy đen sì. Một tốp chiến sĩ chừng 5 – 7 người thay nhau cầm vòi nước xả vào đám cháy. Lửa bốc lên rát mặt. Mỗi khi phun nước, tro bụi lại quẩn lên mù mịt. Tiếng các chiến sĩ giục giã nhau liên tục. Thông tin chỉ huy phát qua bộ đàm gấp gáp…
Gương mặt lấm lem khói bụi, mồ hôi chảy ròng ròng, tranh thủ vài phút nghỉ thay ca, vừa đứng vừa ăn vội bát mỳ tôm, chiến sĩ Dương Văn Tuấn – Phòng cảnh sát PCCC số 5 (Đông Anh) chia sẻ, việc tiếp cận đám cháy gặp nhiều khó khăn bởi địa hình rừng núi dốc, đường nhỏ và phương tiện chữa cháy còn hạn chế. Lần đầu tiên tham gia chữa cháy một đám cháy rừng lớn và kéo dài như vậy, chiến sĩ Dương Văn Tuấn cũng khá bất ngờ với tốc độ lây lan của ngọn lửa. “Dù đói, mệt nhưng anh em vẫn động viên nhau chiến đấu hết mình để dập tắt đám cháy sớm nhất có thể” – chiến sĩ Dương Văn Tuấn chia sẻ.
Quả thực, tinh thần chiến đấu của các lực lượng tại khu vực xảy ra cháy rừng là rất đáng khâm phục. Nhiều chiến sĩ chiến đấu hơn 10 giờ đồng hồ, từ khi bắt đầu có đám cháy đến đêm vẫn chưa kịp ăn gì. Chỉ đến khi ngọn lửa được thu hẹp dần, anh em mới thay nhau tranh thủ ăn tạm bát mỳ, rồi vài phút sau lại giục nhau tức tốc kéo đường dây, tiếp nước chiến đấu với ngọn lửa phía trên núi. Một chiến sĩ khác của Phòng Cảnh sát PCCC Sóc Sơn có 8 năm công tác cũng chia sẻ, sức nóng của đám cháy cộng với nhiệt độ ngoài trời cao khiến cho cơ thể xuống sức. Tuy nhiên, ai cũng động viên nhau quyết tâm chiến đấu với giặc lửa đến cùng.
Mãi tới hơn 1 giờ sáng ngày 6/6, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế, chỉ còn một vài đốm lửa nhỏ rải rác trên sườn núi. Cả một vùng sáng rực trước đó đã đen quánh trở lại trong màn đêm. Đến lúc này, các chiến sĩ mới thở phào nhẹ nhõm sau 12 giờ chiến đấu không ngừng nghỉ. Người dân Nam Sơn cũng trở về nhà sau một đêm không bình yên. 1 giờ 30 phút sáng 6/6, những chiếc xe cứu hỏa cuối cùng cũng nổ máy rời khỏi hiện trường, lúc này chỉ còn ánh đèn pha lấp lóa trong màn đêm…