20 sự kiện tạo “đòn bẩy” cho du lịch Hà Nội năm 2016

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; Thí điểm mở rộng phố đi bộ quan Hồ Gươm, lùi “giời giới nghiêm”, phủ wifi miễn phí quanh khu vực Hồ Gươm; chương trình “Ký ức Hà Nội”, Festival Áo dài Hà Nội 2016,… là những sự kiện tạo “đòn bẩy” cho du lịch Hà Nội năm 2016.

 Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại phố đi bộ Hồ Gươm.

Năm 2016, ngành du lịch Hà Nội đã về đích sớm từ tháng 10 và lần đầu tiên đón 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng khoảng 23%. Cùng với đó, có 17,8 triệu lượt khách du lịch trong nước đến với Thủ đô. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 62,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015.

Hiện, khách nội địa đến Hà Nội chiếm khoảng 30% tổng lượng khách đi lại giữa các địa phương trong toàn quốc. Khách quốc tế chiếm khoảng 40% so với lượng khách đến Việt Nam. Khoảng 80% khách quốc tế đến Hà Nội với mục đích nghỉ dưỡng, du lịch; 20% đến vì công việc. Điều đáng mừng là khách đến Hà Nội có lưu trú ngày càng tăng, với khoảng 2,9 triệu người, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch Việt Nam và bức tranh kinh tế - xã hội Hà Nội.

Góp phần tạo nên thành công đó là bởi, năm 2016, TP đã quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế xanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành được bổ sung, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, đa dạng hoá các hình thức đầu tư…

Điều đó thể hiện rõ nhất ở 20 sự kiện tiêu biểu có tính chất “đòn bẩy” cho du lịch Thủ đô năm 2016:

  1. 1. Chương trình “Ký ức Hà Nội”
  2.  Trình diễn áo dài truyền thống tại chương trình "Ký ức Hà Nội".

Đầu năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Công ty cổ phần truyền thông DC và các đơn vị có liên quan tổ chức thành công chương trình “Ký ức Hà Nội” nhân dịp Chào Xuân mới 2016. Sự thu hút khoảng 12 vạn lượt khách trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có khoảng 5000 khách du lịch quốc tế.

Trong khuôn khổ chương trình “Ký ức Hà Nội”, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức đón vị khách du lịch mang quốc tịch Pháp là vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến xông đất Thủ đô Hà Nội năm 2016.

  1. 2. Chương trình “Du xuân Hữu nghị”
  2.  Các đại biểu tham gia chương trình Du xuân hữu nghị 2016. Ảnh: Thái Trung Thành.

Đầu năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, UBND Huyện Mê Linh, Ban Quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng phối hợp triển khai tổ chức Chương trình "Du xuân hữu nghị năm 2016" cho hơn 400 phu nhân, phu quân của đại sứ và các tổ chức quốc tế và các đoàn khách ngoại giao quốc tế của các nước tại Hà Nội nhằm giới thiệu hình ảnh và du lịch Hà Nội tới bạn bè quốc tế.

  1. 3. Hội chợ Du lịch Quốc tế “VITM Hà Nội 2016”
 Qua 4 kỳ tổ chức, VITM Hà Nội 2016  đã vươn lên xứng đáng là sự kiện tiêu biểu của Du lịch Việt Nam và Hà Nội.

Tháng 4/2016, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp tổ chức Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức thành công hội chợ du lịch quốc tế “VITM Hà Nội 2016” với 502 gian hàng của 734 DN du lịch trong nước và quốc tế tham dự. Trong đó có 115 gian của các DN và cơ quan xúc tiến du lịch đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“VITM Hà Nội 2016” đã đón 1.500 lượt các DN đến làm việc tại Hội chợ và khoảng 58.000 lượt khách đến tham quan và mua bán sản phẩm du lịch. Trong qua trình diễn ra Hội chợ đã diễn ra các hoạt động nhằm gắn kết các DN du lịch Hà Nội với DN du lịch trong nước và Quốc tế. Qua 4 kỳ tổ chức, “VITM Hà Nội 2016”  đã vươn lên xứng đáng là sự kiện tiêu biểu của Du lịch Việt Nam và Hà Nội.

  1. 4. Ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Thể hiện quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Đây được coi là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của ngành du lịch Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Nghị quyết, du lịch Hà Nội Phấn đấu đến năm 2020, đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8 - 10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15 - 17%/năm. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60 - 65%. Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch…

  1. 5. Chương trình “ Mỗi đoàn viên thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về du lịch Hà Nội”

Sau khi ra quân đội hình “Hỗ trợ du lịch Thăng Long – Hà Nội” vào ngày 5/6/2015, đến nay, 300 sinh viên khoa Du lịch của 8 trường Đại học trên địa bàn TP đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia bảo vệ, giữ gìn, quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, Thủ đô. Đồng thời, nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng hoạt động xã hội cho sinh viên trong việc tham gia góp phần làm hài lòng du khách tại 6 điểm đến trọng điểm: Khu vực Hoàn Kiếm, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh và Chùa Một cột; khu vực Hồ Tây; khu vực phố cổ, chợ đêm và Hoàng Thành Thăng Long.

  1. 6. Thí điểm mở rộng phố đi bộ quanh Hồ Gươm, lùi “giờ giới nghiêm”, phát wifi miễn phí
  2.   Trung bình, có khoảng 18 -25 ngàn người/ngày đến phố đi bộ. Hoạt động của phố đi bộ tác động rõ đến du lịch quận Hoàn Kiếm với khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015.

Từ ngày 1/9, UBND TP Hà Nội chính thức thí điểm cho các nhà hàng, quán bar thuộc quận Hoàn Kiếm mở cửa đến 2 giờ sáng, phát wifi miễn phí và mở rộng không gian đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm. Chỉ nói riêng 3 thay đổi này đã tạo được bước “đột phá” trong cách thức quản lý du lịch của Hà Nội. Bởi như nhận định của Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRestour Nguyễn Công Hoan thì: “TP đã bước đầu chủ động, thay đổi tư duy, phương thức quản lý khi tạo điều kiện tối đa cho du lịch phát triển, không còn thấy khó quản lý thì “né” như trước đây”.

Từ đó tới nay, trung bình, có khoảng 18 -25 ngàn người/ngày đến phố đi bộ. Hoạt động của phố đi bộ tác động rõ đến du lịch quận Hoàn Kiếm với khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015.

  1. 7. Động thổ dự án Công viên Kim Quy đẳng cấp quốc tế bằng nguồn vốn xã hội hóa
  2.  Mô hình dự án Công viên Kim Quy.

Ngày 2/9/2016, UBND TP Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) tổ chức Lễ động thổ Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (Công viên Kim Quy) tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Đây là hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050; từng bước hiện thực hóa chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, xây dựng thêm 25 công viên, trong đó có từ 03 - 05 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới và khu vực của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Đây là lần đầu tiên, Thủ đô Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng, Công viên Kim Quy trải rộng trên diện tích hơn 100 ha, được thiết kế kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc ngàn đời của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu.

  1. 8. Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016
  2.  Lễ rước tổ nghề của ba làng nghề truyền thống tiêu biểu đã thực sự khiến người dân và du khách tràn đầy cảm xúc.

Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 diễn ra từ ngày 29/9 đến 02/10/2016, đã tạo nên một không gian du lịch - văn hóa đặc sắc tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Liên hoan quy tụ 33/52 nghề truyền thống của Việt Nam, 30/47 nghề truyền thống của Hà Nội, với 260 khu không gian và gian hàng tham gia của 150 đơn vị, cá nhân. Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan đã được chú trọng về nội dung, chất lượng, tiêu biểu như chương trình Lễ rước tổ nghề của ba làng nghề truyền thống tiêu biểu: Làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm; hội thảo "Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế"; hội thảo “Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với Hiệp hội Du lịch các địa phương trong tình hình mới”. Trong 4 ngày diễn ra Liên hoan, đã có khoảng 3,5 vạn lượt khách đến tham quan, mua sắm.

9. Festival Áo dài Hà Nội 2016

Với chủ đề "Tinh hoa áo dài Việt Nam", Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 được tổ chức từ ngày 14 - 16/10/2016 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, sự kiện còn là dịp để các DN thời trang, du lịch của Hà Nội giao lưu, giới thiệu, hợp tác, ký kết phát triển sản phẩm du lịch, thời trang và nhiều lĩnh vực khác với các DN trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo cơ hội để du khách tham quan, trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Festival Áo dài Hà Nội năm 2016. Sự kiện thu hút hơn 30.000 lượt khách quốc tế và trong nước đến tham quan.

 Bộ sưu tập của nghệ nhân Lan Hương được trình diễn tại Không gian Áo dài Việt.

Đặc biệt, đây là lần đầu Hà Nội khai thác áo dài như một sản phẩm du lịch, tiến tới xây dựng Hà Nội thành trung tâm thời trang. Hậu Festival Áo dài Hà Nội 2016, giữa tháng 12, Sở Du lịch Hà Nội đã chính thức công nhận Lan Hương Fashion house (số 18 phố Âu Cơ, quận Tây Hồ) đạt tiêu chuẩn điểm đến du lịch áo dài đầu tiên trên địa bàn với tên gọi “Không gian Áo dài Việt”.

  1. 10. Thi tuyển phương án kiến trúc Làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc

Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Thủ đô Hà Nội Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể gồm các chương trình quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị đồng hành với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản truyền thống Hà Nội. Trong đó, hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc là những đại diện tiêu biểu cho vốn di sản đặc trưng về làng nghề truyền thống phong phú của Thủ đô, đã được Thành ủy chỉ đạo quy hoạch đồng bộ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kết hợp du lịch.

Cuộc thi ý tưởng Quy hoạch Dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại hai làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng được UBND TP Hà Nội triển khai từ tháng 3/2016 và chính thức nhận hồ sơ từ tháng 5/2016, với yêu cầu xây dựng nơi đây thành những điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các ý tưởng tham gia cuộc thi phải dựa trên cơ sở phù hợp quy hoạch, cần phải bảo tồn, khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghề truyền thống của làng nghề, đồng thời bảo đảm thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan khu vực.

Sau hơn 2 tháng tiếp nhận các hồ sơ dự thi, Ban tổ chức đã lựa chọn 5 đơn vị tư vấn để tham gia thi tuyển cho 1 đồ án. Tham gia dự thi ý tưởng Quy hoạch Dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc có 5 đơn vị, tổ chức tư vấn là: Cty TNHH Academia Italia; Liên danh Cty Espace Architecture international và Cty Expertise France Viet Nam; Cty Arep Ville; Viện Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia.

  1. 11. Khai trương Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tại 28 Hàng Dầu và tour miễn phí đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội

Đây được coi là mô hình liên kết công – tư hiệu quả giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà lữ hành – nhà trường, rất đáng được nhân rộng.

  1. 12. Hà Nội ký kết chương trình Hợp tác phát triển du lịch năm 2016 và những năm tiếp theo với 25 tỉnh, TP trên cả nước.

Năm 2016, Hà Nội đã tăng cường liên kết, phối hợp phát triển du lịch với các tỉnh, TP trong cả nước nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; công tác tổ chức các sự kiện nhằm xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; công tác xây dựng ấn phẩm, clip quảng bá du lịch và tăng cường hoạt động của bộ phận hỗ trợ khách du lịch.

Những sự kiện đó cũng góp phần giúp Hà Nội được báo giới nước ngoài đánh giá cao trong năm 2016 như: Tạp chí DL trực tuyến Smart Travel (có uy tín nhất khu vực châu Á) bình chọn Hà Nội là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Tạp chí du lịch Trip Avisor bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 8 thế giới. Trang Telegraph (Anh) xếp Hà Nội đứng đầu trong danh sách các TP có nền ẩm thực ấn tượng nhất thế giới. Cuối tháng 9, với tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch đạt 11,64% mỗi năm, Hà Nội được xếp thứ 13/20 điểm đến tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới do Mastercard xếp hạng.

Phát huy những thành công dó, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, điểm đến xây dựng các tour mới, có chất lượng; đẩy mạnh quảng bá du lịch trên mạng tin tức Truyền hình cáp CNN (Mỹ); tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; tăng cường công tác thanh tra;… để nang cao sức cạnh tranh của du lịch Thủ đô. Đồng thời, khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”

13. Làm việc với 21 quận, huyện thị xã về phối hợp phát triển du lịch

Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động làm việc với 21 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP nhằm tăng cường phát triển du lịch tại các địa phương trong năm 2016 và những năm tiếp theo, gồm: Huyện Đông Anh, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín. Quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Sơn Tây, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Cầu Giấy…

 Sở Du lịch Hà Nội khảo sát du lịch tại huyện Thạch Thất.

Các bên đã tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Phối hợp trong công tác tham mưu, đề xuất, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND trong việc  xin chủ trương đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án, chuwong trình phát triển du lịch ở địa phương; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch; rà soát, thống kê các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, điểm di tích lịch sử, văn hóa; chuẩn hóa bài thuyết minh về địa danh, làng, nghề, sản phẩm làng nghề của các địa phương để giới thiệu, quảng bá cho các doanh nghiệp du lịch; tổ chức các đoàn FAM đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch; xây dựng video clip và chuẩn hóa bài thuyết minh về di tích lịch sử, địa danh; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý du lịch cho cán bộ phụ trách công tác du lịch, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa du lịch cộng đồng tại Khu di tích lịch sử, danh thắng; phối hợp xây dựng mạng lưới bộ phận hỗ trợ khách du lịch, thiết lập đường dây nóng, xây dựng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch trọng điểm…

14. Làm việc với chuyên gia Pháp về logo, biển chỉ dẫn

Năm 2016, Sở Du lịch Hà nội đã làm việc với chuyên gia Pháp để hệ thống hóa tất cả các logo, biển chỉ dẫn của ngành du lịch Thủ đô sao cho ấn tượng, tiện ích nhất phục vụ du khách.

15. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến ở thị trường quốc tế

Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội chợ xúc tiến du lịch thị trường Nga nhằm giới thiệu với nước bạn về Thủ đô Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm du lịch của cả nước; phối hợp để kích cầu của du lịch Thủ đô với khách Nga trong năm 2016; quảng bá một số sự kiện, sản phẩm du lịch đặc sắc của Thủ đô phù hợp với thị hiếu khách du lịch Nga và trao đổi một số thông tin về định hướng phát triển, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

 Sở Du lịch Hà Nội tham gia Hội chợ du lịch TopResa tại Pháp hồi tháng 9/2016.

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn công tác tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế như: Bắc Kinh 2016 tại Trung Quốc, Jata 2016 tại Tokyo – Nhật Bản, Hội chợ du lịch TopResa tại Pháp, WTM Du lịch Thế giới 2016 tại London tại Anh, Hội nghị lần thứ 15 Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á tại Jakatar – Indonesia

Từ ngày 17/3 đến 24/3/2016, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đoàn công tác tại Pháp và Thụy Sĩ nhằm khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về khai thác giá trị di sản văn hóa cho phát triển du lịch. Sở đã làm việc với ông Jean Francois Robin - Giám đốc Du lịch vùng Provins trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và làng nghề phục vụ phát triển du lịch; phối hợp với Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam và Hà Nội.

16. Quảng bá du lịch trên kênh CNN

UBND TP Hà Nội vừa ký kết hợp tác tuyên truyền quảng bá giai đoạn 2017 – 2018 với mạng tin tức truyền hình cáp CNN.

Theo Chương trình hợp tác chiến lược giai đoạn 2017-2018, mạng CNN sẽ hợp tác với TP Hà Nội sản xuất 3 phim quảng cáo 30 giây cùng các phim 60 giây, phóng sự 3-5 phút, chương trình đặc biệt 30 phút trên truyền hình. Cùng với đó là các trang giới thiệu riêng về Hà Nội như "Hà Nội - Trái tim Việt Nam", "Hà Nội của tôi" hay "Hà Nội Góc nhìn" trên trang CNN.com và bài viết trên mạng xã hội Facebook; Twitter cùng các banner quảng cáo. Kênh phát trên cả 2 nền tảng truyền hình và kỹ thuật số như trên máy tính, ứng dụng trên các thiết bị cầm tay. Khu vực phát sóng gồm Châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á.

 Vẻ đẹp Hồ Gươm.

Chương trình thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bình đẳng, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và phạm vi thẩm quyền của mỗi bên. Ý tưởng, chủ đề, nội dung quảng bá, thời lượng phát sóng và các nội dung liên quan của Chương trình đảm bảo nhất quán, thể hiện đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội gắn với vùng Thủ đô, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và đất nước Việt Nam.

Nội dung chương trình hợp tác được các bên liên quan phối hợp thực hiện, đồng thời, sẽ có một công ty tư vấn nghiên cứu độc lập của Vương quốc Anh thay mặt cho CNN và Hà Nội tiến hành các đợt khảo sát đo lường hiệu quả, nhận thức về thương hiệu và nhận thức của chiến dịch quảng bá về Hà Nội trên CNN định kỳ, nhằm đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện quảng bá đến cộng đồng quốc tế.

Đây được xem là bước đột phá giúp Hà Nội thu hút du khách quốc tế. Bởi hiện CNN có hàng tỷ khán giả trên toàn thế giới và là nhà cung cấp tin tức cho hơn 200 đài phát thanh và truyền hình trên toàn cầu.

17. FM du lịch

Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Công ty TNHH Quảng cáo và Truyền thông Gia Bảo xây dựng chương trình FM du lịch trên sóng phát thanh Hanoi FM 90MHZ.

18. Thanh tra du lịch chuyển từ bị động sang chủ động

Ngay từ đầu tháng 12/2015, Sở đã “lên khuôn” kế hoạch thanh tra năm 2016. Tiếp sau đó là kế hoạch phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch năm 2016. Đặc biệt phải kể đến Thông báo số 05/TB-SDL ngày 19/2 triển khai kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch năm 2016 trên địa bàn TP - hoạt động được xem là “bước ngoặt” giúp thanh tra du lịch chuyển từ thế bị động sang chủ động.

Nhờ đó, dù chỉ có 5 người, nhưng năm 2016, Thanh tra Sở đã phối hợp chặt chẽ với liên ngành giải quyết nhanh nhiều vụ việc. Cụ thể, đã kiểm tra 123 DN, cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn, trong đó lập biên bản vi phạm hành chính 10 cơ sở và xử phạt 129 triệu đồng; 77 DN kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch, lập biên bản vi phạm và xử phạt 6 DN và 2 hộ cá thể 121 triệu đồng. Kiểm tra hơn 100 lượt hướng dẫn viên, xử phạt 5 triệu đồng, tịch thu 1 thẻ hướng dẫn viên.

19. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 700 cán bộ, nhân viên, người làm du lịch trên địa bàn Thủ đô

Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng dân cư tại 3 xã Ba Trại, Vân Hòa, Ba Vì huyện Ba Vì và tổ chức đoàn FAM đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Đồng thời, mở 8 lớp, với 520 người tham gia tại các cụm: Cụm huyện Thanh Oai - Phú Xuyên - Thường Tín; cụm huyện Đông Anh - Sóc Sơn - Mê Linh; cụm quận Thanh Xuân - Hà Đông - Chương Mỹ; cụm quận Hoàn Kiếm - Ba Đình; cụm huyện Quốc Oai - Thạch Thất - Phúc Thọ; cụm Thị xã Sơn Tây - huyện Ba Vì.

Sở Du Lịch còn phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 200 lái xe và nhân viên phục vụ trên ô tô vận chuyển khách du lịch.

20. “Trình làng” sản phẩm du lịch “Cảm xúc Hà Nội”

Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội cùng Công ty Lữ hành Hanoitourist cùng Việt Nam Airlines và các DN lữ hành, lưu trú hàng đầu Hà Nội bắt tay xây dựng và “trình làng” tour “Cảm xúc Hà Nội”.

Việc khảo sát, xây dựng và các hoạt động xúc tiến, quảng bá được khởi động từ 25/2 - 30/4, dự kiến bán tour từ tháng 5 - 10, “Cảm xúc Hà Nội” khai thác các giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo của Hà Nội. Đó là: Cảnh quan thiên nhiên đặc trưng; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc, nghệ thuật; các ngôi nhà cổ, phố cổ, làng cổ, làng nghề thủ công truyền thống; các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, các món ăn thể hiện tinh hoa ẩm thực Hà thành.

Dù định hình Hà Nội là điểm nhấn chiếm phần lớn chương trình, song “Cảm xúc Hà Nội” kết hợp thêm những địa danh nổi tiếng của miền Bắc để có sự đa dạng và mang tính cạnh tranh. Có lịch trình 4 ngày 3 đêm, giá trọn gói “Cảm xúc Hà Nội” xuất phát từ Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh dự kiến lần lượt là 5,1 triệu đồng và 6,2 triệu đồng.

Tham gia tour này, du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm gần hơn với những giá trị vật thể và phi vật thể tinh tế của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Cùng với đó là khám phá những địa danh, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của dân tộc từ lâu đã trở thành thương hiệu của ngành du lịch nước nhà.

Tour “Cảm xúc Hà Nội” được xem là “cú hích” cho việc chuyên nghiệp hóa các sản phẩm đặc thù nói riêng, ngành du lịch Thủ đô nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần