Kỳ thi tay nghề quốc gia được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Hội thi năm 2018 sẽ được diễn ra từ ngày 13/5 đến 20/5 với quy mô khoảng 1.200 người, trong đó có 520 thí sinh đăng ký dự thi từ 56 đoàn, 48 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; tổ chức tại 7 điểm, trong đó có 6 điểm trên địa bàn TP.
Thí sinh dự thi là công dân Việt Nam có kỹ năng nghề, đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc người lao động đang làm việc tại các DN trên địa bàn TP chưa từng tham dự thi tay nghề quốc gia, khu vực, quốc tế và không quá 22 tuổi tính đến năm tổ chức thi.Đây là dịp nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trẻ có kỹ năng nghề trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.Về công tác tổ chức, Hội thi tổ chức thi 26 nghề, trong đó có 24 nghề thi chính thức và 2 nghề trình diễn. Đến nay, công tác chuẩn bị về điều kiện tổ chức thi cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn. Đáng chú ý, đoàn TP Hà Nội tham dự kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018 với 47 thí sinh, dự thi 24/26 nghề, mỗi nghề 2 thí sinh, riêng nghề Sơn ô tô có 1 thí sinh.Theo kế hoạch kỳ thi sẽ được khai mạc vào ngày 15/5/2018 tại các đơn vị đăng cai và bế mạc tập trung vào tối ngày 20/5/2018 tại Hà Nội.Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc được tổ chức 3 năm/lần nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt; khuyến khích nhà giáo giáo dục nghề nghiệp học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phát hiện các phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dung dạy học có hiệu quả cao… Hội giảng nhà giáo sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 15/9 đến 21/9/2018, với sự tham gia hơn 400 nhà giáo đại diện cho 63 tỉnh, TP trên cả nước.Về phía Hà Nội là đơn vị đăng cai tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý giao các sở ngành TP phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo thực hiện tốt một số việc. Trong đó, Sở VHTT phối hợp, tạo điều kiện cấp phép để đảm bảo đảm bảo tổ chức tuyên truyền với các hình thức như treo băng rôn trên một số tuyến phố chính; đảm bảo công tác tuyên truyền trên báo đài địa phương. Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Công an TP, Điện lực Hà Nội phối hợp để lên phương án chi tiết đảm bảo an ninh, phân luồng giao thông, y tế, phòng cháy chữa cháy; nguồn điện; chỗ ở cho các thí sinh.Bên cạnh đó, các trường là địa điểm tổ chức Hội giảng (Trường Cao Đẳng Công nghiệp Hà Nội; Trường trung cấp nghề Giao thông công chính) chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT để đảm bảo huy động lượng học sinh, sinh viên học nghề tham quan, định hướng nghề nghiệp. Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực phối hợp để lên kế hoạch, kịch bản chi tiết cho Hội giảng.