14 chương trình nghệ thuật hấp dẫn ở Hà Nội cuối tuần này

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu chưa lựa chọn được chương trình giải trí phù hợp cuối tuần này, người dân và du khách đến với Hà Nội có thể tìm được những phút giây thư giãn trong số 14 sự kiện nghệ thuật hấp dẫn dưới đây:

1. Triển lãm “Thức đợi cơn mơ” của Phan Hiền Nhân

Từ ngày 15 – 20/2, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội diễn ra Triển lãm “Thức đợi cơn mơ” của nghệ sỹ Phan Hiền Nhân. Dù được định hướng và đào tạo để trở thành một kiến trúc sư nhưng Phan Hiền Nhân lại chọn hội họa làm con đường để theo đuổi. Vẽ tranh là cách anh biểu lộ nhân sinh quan, cách để dãi bày những tâm sự của mình về cuộc sống. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi để khai phá ra chính tâm hồn mình, Phan Hiền Nhân lựa chọn sơn dầu làm chất liệu chính.

Trong tranh của anh, xúc cảm về thời gian và không gian được hòa trộn để diễn đạt sự chân thật sâu thẳm của cõi mơ và những day dứt về sự dối trá mà đôi khi chúng ta tự gán với chính bản thân mình trên cõi tạm trần thế. Từ giấc mơ đến thực tại, từ phản ứng dữ dội của tuổi trẻ đến cái tĩnh lặng của người đàn ông đã đi qua nửa đời người, Phan Hiền Nhân trải lòng mình trong những bức tranh anh đem tới triển lãm “Thức đợi cơn mơ”.

2. Nét văn hóa Bắc Bộ trong “Nhạc của đình”

Lúc 20 giờ, ngày 18/2, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra buổi biểu diễn nghệ thuật “Nhạc của đình”.

Đây là một chương trình ca nhạc cổ truyền Việt Nam, biên tập từ lời ca tiếng nhạc của các lễ hội đình làng xưa. Các lời hát cổ như hát cửa đình, hát dặm, hát ví, hát xẩm, cùng các màn diễn Tuồng và Chèo cổ sẽ được tái hiện trên sân khấu. Chương trình mong muốn, qua âm thanh của các điệu nhạc cổ, qua diễn xuất trong các màn trò xưa tích cũ, sẽ đưa tới khán thính giả những cảm nhận về sự tinh tế và phóng khoáng của nét văn hóa làng quê Bắc Bộ xưa với nơi vui hội là chốn cửa Đình.

3. Triển lãm “Thiền” của Trương Tiến Trà

Từ ngày 17/2 – 19/3, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra triển lãm “Thiền” của nghệ sĩ Trương Tiến Trà. Tối giản tuyệt đối trong cả màu sắc lẫn hình hài, những tác phẩm sơn dầu của Trà với các sắc độ trung tính, mềm mại, mỏng và nhẹ nhàng sẽ đưa người xem trở về với bản nguyên sơ khởi của chính mình, đầy thư thái và tĩnh tại…

4. Gala hòa nhạc và múa ba lê chào xuân 2017

Lúc 20 giờ, ngày 16 và 17, tại Nhà hát lớn Hà Nội (Số 1 Tràng Tiền) diễn ra Gala hòa nhạc và múa ba lê chào xuân 2017 Đồng Quang Vinh làm nhạc trưởng.

Chương trình có sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng VNOB: Đào Tố Loan (Soprano), Vũ Mạnh Dũng (Baritone) và Dàn hợp xướng VNOB; Dàn hợp xướng Quốc tế Hanoi Voices; Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới và Dàn nhạc tre nứa Waraku.

5. Trò chuyện nghệ thuật cùng Joan Jonas và Phan Thảo Nguyên

Lúc 16 giờ, ngày 19/2, tại Nhà sàn Collective (Tầng 15, Hanoi Creative City, số 1 Lương Yên, Hà Nội) diễn ra buổi trò chuyện nghệ thuật cùng hai nghệ sĩ Joan Jonas và Phan Thảo Nguyên.

Joan Jonas, nghệ sĩ Mỹ đã được quốc tế vinh danh như một huyền thoại với những thực hành Performance và Video Art tiên phong sẽ cùng nghệ sĩ thị giác Phan Thảo Nguyên, người “học trò” do chính bà lựa chọn và dìu dắt trong suốt chương trình Rolex Mentor & Protégé Arts Initiative niên khoá 2016-2017, đối thoại trong buổi trò chuyện nghệ thuật này.

Joan sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong sự nghiệp nghệ thuật kéo dài gần nửa thế kỷ của bà, và phản ánh quan điểm xã hội của bà thông qua tác phẩm nghệ thuật. Tiếp nối buổi trò chuyện, Phan Thảo Nguyên, một nghệ sĩ thị giác đa phương tiện đến từ thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng hội hoạ, sắp đặt, trình diễn và video để thể hiện nhựng ý niệm mang tính lịch sử và đương đại, sẽ chia sẻ những trải nghiệm về quá trình mà Thảo Nguyên đã đồng hành cùng Joan trong suốt 10 tháng qua.

Buổi trò chuyện sẽ là những đối thoại và tâm tình giữa hai nghệ sĩ thuộc hai thế hệ và đến từ hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.

6. Hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair

Từ ngày 21 – 25/2/2017, tại tầng 5, Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên, Hà Nội) diễn ra Hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair. Đây là mô hình thương mại lớn nhất từ trước đến nay với hơn 300 tác phẩm đa dạng về loại hình và chất liệu (tranh, điêu khắc, trang sức, quà tặng; sơn mài, sơn dầu, acrylic,…) của hơn 160 họa sỹ từ Bắc vào Nam.

Domino Art Fair là sự kiện đầu tiên trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu hội chợ nghệ thuật Vietnam Art Fair của RealArt. Vietnam Art Fair được định hướng trở thành một thương hiệu hội chợ quốc gia cho Việt Nam, sánh tầm với các thương hiệu hội chợ nghệ thuật khác trong khu vực và trên thế giới.

7. Chiếu phim “Love Letter”

Lúc 19 giờ 30, ngày 17/2/2017, tại Trung tâm TPD (số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) diễn ra buổi chiếu phim “Love Letter” (Thư tình) của đạo diễn người Nhật Bản Shunji Iwai.

Được thực hiện vào năm 1995, “Love Letter” nhanh chóng trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản rồi sau đó lan tỏa ra toàn Châu Á. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Nhật Bản được trình chiếu tại Hàn Quốc kể từ chiến tranh thế giới lần II.

Phim kể về Hiroko Watanabe (Miho Nakayama) sống tại Kobe, Nhật Bản. Vị hôn phu của cô, Itsuki Fujii, đã gặp tai nạn và mất trong một lần leo núi. Một ngày, Hiroko xem được quyển kỷ yếu của trường trung học của Itsuki, từ ngày anh còn sống ở Otaru, Hokkaido. Cô tìm thấy địa chỉ trước đây của Itsuki ở Otaru và viết một lá thư gửi tới địa chỉ đó. Liệu đó có phải là một lá thư gửi đến thiên đường?

8. Workshop âm nhạc Ấn Độ

Lúc 18 giờ, ngày 17/2, tại Trung tâm Văn hóa Ấn Độ (số 63 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) diễn ra Hội thảo miễn phí về âm nhạc Ấn Độ. Đây là nơi bạn có thể hiểu rõ hơn về âm nhạc Ấn Độ và cách sử dụng các loại nhạc cụ.

Âm nhạc cổ điển Ấn Độ gồm 2 loại: Carnatic ở Nam Ấn và Hindustani ở Bắc Ấn. Nhạc cụ Ấn Độ có thể chia thành 4 loại: Chordophones (nhạc cụ dây), Aerophones (nhạc cụ hơi), Membranophones (trống) và Idiophones (nhạc cụ gõ ngoài trống).

9. Triển lãm “Hà Nội phố”

Từ ngày 21/1 – 28/2, tại Cà phê Thứ bảy (số 3A Ngô Quyền, Hà Nội) diễn ra triển lãm “Hà Nội phố” của nhóm Urban Sketchers Hanoi.

Với tiêu chí là sân chơi cho những người yêu Hà Nội, nhóm Urban Sketchers Hanoi ghi lại những hình ảnh về di sản, hình ảnh đẹp, phong cách sống đặc trưng của Hà Nội qua các bức ký họa bằng chính cảm xúc của mình.

Họ lưu giữ những ký ức đó qua thời gian khi Hà Nội đang đổi thay từng ngày với quá trình đô thị hóa và sẽ xóa dần đi những giá trị quý báu vốn có. Ngoài yếu tố bảo tồn di sản của Hà Nội, Urban Sketchers Hanoi mong muốn đem lại cho cộng đồng, những người đã, đang sống tại Hà Nội, những người yêu ký họa thêm hiểu biết và thêm yêu Hà Nội.

10. Chiếu phim “Hoàng tử bé”

Lúc 16 giờ, ngày 19/2/2017, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra buổi chiếu phim “Hoàng tử bé” của đạo diễn Mark Osborne.

“Hoàng tử bé” là bộ phim hoạt hình chuyển thể từ một trong những tác phẩm văn học cùng tên quý giá nhất nước Pháp thế kỷ 20, nơi mà mỗi chúng ta tìm lại tuổi thơ của chính mình!

11. Chiếu phim “Vĩnh cửu”

Lúc 20 giờ, ngày 17/2/2017 và 18 giờ, ngày 19/2/2017, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra buổi chiếu phim “Vĩnh cửu” của đọa diễn Trần Anh Hùng.

“Vĩnh cửu” (tên gốc: Éternité) là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Nét duyên góa phụ” (tên gốc: L’élegance des veuves) của nữ văn sỹ Alice Ferney. Cuối thế kỷ thứ 19, Valentine vừa mới tròn đôi mươi kết hôn với Jules khi tuổi đời còn rất trẻ. 100 năm sau, cô cháu gái của bà đến từ Paris bách bộ trên một cây cầu nhỏ và kết thúc cuộc dạo bước định mệnh đó của mình bằng đám cưới với chàng trai mà cô phải lòng. Đan xen giữa hai thế kỷ đó là những biến động về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử… của ba người phụ nữ trong thời chiến, vượt qua nghịch cảnh và quả cảm đối mặt với những sóng gió của cuộc đời.

12. Triển lãm “Hình của tròn” của Phạm Khắc Quang

Triển lãm “Hình của tròn” của Phạm Khắc Quang đang diễn ra tại Viện Geothe (số 56 – 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ kéo dài đến hết ngày 15/3.

Triển lãm “Hình của tròn” là một bộ sưu tập những tác phẩm cá nhân của Phạm Khắc Quang, bao gồm những bức chân dung của những thành viên trong gia đình anh và cả những khuôn hình phong cảnh thân quen, gần gũi. Đối với anh, những tác phẩm này đến từ những niềm vui, nỗi buồn mà anh từng trải qua.

Một buổi trò chuyện và thực hành với nghệ sỹ Phạm Khắc Quang sẽ diễn ra vào 15 giờ, ngày 25/2. Nghệ sỹ sẽ giới thiệu về tranh in nổi và thể hiện kỹ thuật in sử dụng chính những chất liệu và công cụ của mình. Những người tham gia cũng sẽ có cơ hội tạo ra những bản in cho riêng mình.

13. Triển lãm “Thơ gốm” của họa sỹ Lê Thiết Cương

Triển lãm “Thơ Gốm” đnag diễn ra tại Gallery39 (số 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội) sẽ kéo dài đến hết ngày 17/2.

Triển lãm gồm 40 tác phẩm gốm do họa sĩ Lê Thiết Cương minh họa những câu thơ mà anh chọn của 40 nhà thơ Việt Nam như: Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Lưu Quang Vũ, Đào Trọng Khánh, Hoàng Trần Cương, Thuận Hữu, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Ngọc Thu, Vi Thùy Linh, Trần Hoàng Thiên Kim…

Đây là những tác phẩm gốm độc bản, do nghệ nhân làng Bát Tràng vuốt tay, nung bằng củi trong lò bầu truyền thống thay vì lò ga phổ biến hiện nay. Viết và minh họa thơ trên gốm nhưng không nên hiểu minh họa theo nghĩa đen mà chính là chuyển ngữ câu thơ, bài thơ ấy sang một ngữ khác, ngữ – hội họa. Tức là để thơ trở thành hình, thành mầu, thành đậm nhạt, thành mảng, thành nét, thành bố cục… để thơ có thêm một đời sống khác, để người đọc có thêm một cách đọc khác, và để thơ được ở trong một không gian khác dài rộng hơn.

14. Triển lãm tranh vẽ của Emile Rousseau

Từ ngày Triển lãm: 10/2 – 5/3, tại Ke Quán (số 81b Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) diễn ra triển lãm tranh vẽ của Emile Rousseau. Nghệ sĩ Emile đã sống ở Hà Nội được 2 năm. Triển lãm gồm các bức vẽ phác họa động vật hay chân dung với những đường nét tối màu. Các bản in và poster sẽ được bán tại triển lãm.