Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

15 người chết do mưa lũ, thiệt hại kinh tế gần 150 tỷ đồng

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/6, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 15 người chết (tính đến 9h ngày 26/6).

 Ảnh ngập tại TP Hà Giang
Thiệt hại do mưa lũ vẫn tiếp tục tăng
Cụ thể: Hà Giang: 3 người chết do sập nhà; Lai Châu, 12 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập
Trong khi đó, số người mất tích là 11 người ở Lai Châu do lũ cuốn trôi (Than Uyên: 1 người, Tam Đường: 1 người, Nậm Nhùn: 1 người, Mường Tè: 1 người do lũ cuối trôi; Sìn Hồ: 7 người do sạt lở đất). Số người bị thương là 7 người.

Về thiệt hại, thiên tai đã cuốn trôi, làm đổ 83 nhà (Hà Giang: 26 nhà; Lai Châu: 26 nhà; Thái Nguyên: 24 nhà; Điện Biên: 7 nhà); nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp là 508 căn (Hà Giang: 99 nhà; Lai Châu: 153 nhà; Thái Nguyên: 204 nhà; Lào Cai: 01 nhà; Tuyên Quang: 36 nhà); nhà bị ngập nước là 962 căn (Hà Giang: 897; Lào Cai: 18; Điện Biên: 62).

Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: 1.207 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Hà Giang 620 ha; Lai Châu 440 ha; Lào Cai 108 ha; Cao Bằng 27 ha; Điện Biên: 6 ha; Tuyên Quang: 6ha); 97 con gia súc, 5.400 con gia cầm bị chết và 46 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Hà Giang 30 ha; Lai Châu 11 ha; Lào Cai 03 ha; Tuyên Quang: 2 ha).

Vào thời điểm hiện tại, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trong khu vực bị sạt lở gây ách tắc giao thông, cụ thể:

Tại Lai Châu: quốc lộ 4D đoạn Km71-Km85 xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; Quốc lộ 32 từ Km356-Km378; Quốc lộ 279 đoạn Km162+200; quốc lộ 4H đoạn Km190-Km354; quốc lộ 4C đoạn Km62-Km67; tỉnh lộ 127 đoạn Km0-Km55; tỉnh lộ 128 đoạn Km0-K20; tỉnh lộ 129B đoạn K0+450; tỉnh lộ 136 Km13+000 và Km19-Km21; tỉnh lộ 133 đoạn Km2-K72; tỉnh lộ 134 đoạn Km5-K45; 03 cầu treo, 03 cầu bê tông nhỏ bị lũ cuốn trôi.

Tại Hà Giang: quốc lộ 4C tại Km8, Km8+800, Km65+200, Km65+520, Km62-Km67; quốc lộ 279 đoạn Bắc Hà, Liên Hiệp tại Km0+700 và Km11+500; tỉnh lộ thuộc địa phận xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ; đường Xín Cái - Sơn Vĩ đến Mèo Vạc; một số tuyến đường liên xã thuộc huyện Yên Minh: Ngam La, Hữu Vinh - Sủng Cháng, Ngán Chải - Sủng Là, Tráng Kìm - Đường Thượng. + Tại Lào Cai: quốc lộ 279 tại Km140+300, Km144+350 qua huyện Văn Bàn.

Tại Điện Biên: một số tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé.

Theo báo cáo của văn phòng Ban chỉ đạo PCTT&TKCN Bộ GTVT và từ các địa phương (qua điện thoại), đến sáng 26/6 về cơ bản các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đã được khắc phục tạm thời để thông xe. Hiện còn tuyến QL 279 từ Km145+450-Km155+850 sạt ta luy âm và đoạn Km155+900 bị đứt đường hơn 10m, dự kiến đến 12h/26/6 mới thông xe; Tuyến QL12 tại Km10, Km56, Km63 hiện vẫn bị ách tắc do đá rơi, sạt trượt; QL4H tại cầu Hua Bum Km303+60 bị đứt đường dẫn, dự kiến đến 27/6 mới thông xe.

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 141 tỷ đồng (Hà Giang: 25 tỷ đồng, Lai Châu: 95 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng, Cao Bằng 0,16 tỷ đồng, Điện Biên: 2 tỷ đồng, Tuyên Quang: 10 tỷ đồng).

 Ngành điện lực đang khẩn trương khắc phục sự cố. Ảnh: Báo Lai Châu.

Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống Nhân dân

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mực nước trên sông Lô tại Hà Giang đang xuống nhanh. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 30,66m (dưới BĐ2: 0,34m vào 15h ngày 25/6) và đang xuống chậm. Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Lai Châu đã đạt đỉnh ở mức 9.360m3/s và đang giảm. Lưu lượng đến hồ Sơn La duy trì ở mức cao.

Dự báo trong thời gian tới, mực nước trên sông Lô tại Hà Giang tiếp tục xuống. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống; Lưu lượng đến hồ Lai Châu giảm, lưu lượng đến hồ Sơn La duy trì ở mức cao.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ ngày 22/6/2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT đã liên tục chuyển các bản tin, tin nhắn tới các địa phương khu vực bị ảnh hưởng; có văn bản kèm theo mẫu hướng dẫn về công tác tăng cường thông tin, truyền thông, chỉ đạo phòng chống thiên tai cho đối tượng là cấp xã, huyện để các địa phương chủ động triển khai phù hợp với thực tế.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh đã chuyển thông tin cho tất cả các huyện trên địa bàn (Lai Châu: 7 huyện; Điện Biên: 10 huyện; Sơn La: 11 huyện; Yên Bái: 9 huyện; Tuyên Quang: 7 huyện; Bắc Cạn: 8 huyện; Lào Cai: 9 huyện; Hà Giang: 11 huyện; Cao Bằng: 13 huyện) để triển khai công tác ứng phó với lũ quét và sạt lở đất.

Bên cạnh đó, UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc đã kịp thời chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái đã tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích và thăm hỏi gia đình bị thiệt hại, huy động tối đa lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục giao thông và khôi phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù tình hình mưa lũ ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nhưng ngành Điện vẫn đảm bảo an toàn cung cấp điện, nhất là tại các địa điểm diễn ra kỳ thi PTTH. Tính đến 21h ngày 25/6, lưới điện 220 kV, 500 kV tại các tỉnh trên vẫn vận hành bình thường.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), hiện nay Tổng công ty và các đơn vị liên quan vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ, tập trung nhân lực, phương tiện và vật tư, thiết bị để cố gắng khôi phục cấp điện trở lại nhanh nhất có thể sau khi đảm bảo các điều kiện an toàn để phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.