150 sản phẩm tinh hoa làng nghề hội tụ tại Bát Tràng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/3, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Ban Tổ chức lễ hội làng nghề Bát Tràng đã tổ chức họp báo thông tin về việc tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017, diễn ra từ ngày 11 – 13/3, tức ngày 14 – 16/2 Âm lịch.

Làng gốm Bát Tràng được lập ra sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La nhằm phục vụ cho việc xây dựng thành quách, cung điện, công trình tâm linh… của kinh đô Thăng Long. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nghề gốm lúc thịnh lúc suy, song các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những sản phẩm tinh hoa gốm Việt. Người làng Bát Tràng đã thổi vào các sản phẩm gốm niềm đam mê, sáng tạo, nét văn hóa riêng của làng nghề. Sản phẩm gốm Bát Tràng luôn được cải tiến về mẫu mã, tạo dáng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế. Năm 2016, tổng doanh số của làng nghề Bát Tràng đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần phát biểu tại buổi họp báo.
Gốm Bát Tràng nổi tiếng trong nước và quốc tế với những sản phẩm thủ công tinh xảo phục vụ đời sống, trưng bày, tín ngưỡng… Nhiều sản phẩm có mặt tại các bảo tàng danh tiếng ở Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Cùng với việc phát triển nghề gốm, việc học hành cũng được người Bát Tràng coi trọng. Trong các khoa thi thời phong kiến, Bát Tràng có 364 người đỗ đạt, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải (1506 – 1586), 8 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ngày nay, làng Bát Tràng có nhiều người đỗ Đại học, nhiều người được phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư…

Điều đặc biệt, dù là làng gốm với 600 – 700 lò nung, song Bát Tràng không bị ô nhiễm môi trường bởi từ những năm 2001 – 2002, các chủ lò đã mạnh dạn chuyển từ lò nung bằng than sang lò nung bằng gas. Nhờ trở thành một làng gốm xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường nên khách du lịch đến đây ngày một nhiều. Bình quân mỗi ngày có 500 – 800 khách du lịch đến với làng Bát Tràng, trong đó có 100 – 150 du khách quốc tế.

Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống và dâng lễ lên các vị Thành Hoàng làng cầu xin no ấm, hạnh phúc cho dân làng. Đình Bát Tràng thờ 6 vị thần đã có công giúp dân làng đánh giặc giữ nước. Theo tục truyền thống, lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị từ miếu Bát Tràng ra đình Bát Tràng được thực hiện rất trang trọng. Hội làng Bát Tràng có nhiều trò diễn độc đáo, nhất là trò chơi cờ người và hát thờ.
Sản xuất đồ gốm tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Quang Thiện
Ông Lê Xuân Phổ - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Gốm sứ Bát Tràng cho biết, điểm khác của lê hội truyền thống làng nghề Bát Tràng năm nay là bên cạnh sản phẩm gốm sứ, còn có sự góp mặt của 13 làng nghề truyền thống khác với tổng số 150 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các nghệ nhân, thợ giỏi khắp nơi mang đến lễ hội những sản phẩm tinh hoa nhất của mình tạo nên một quần thể chợ quê, làng cổ như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, dệt Phùng Xá, hương Xà Kiều, rèn Đa Sỹ…

Đặc biệt điểm nhấn của lễ hội làng nghề truyền thống Bát Tràng năm nay là tối 16/2 Âm lịch sẽ diễn ra lễ “gieo thời”, khi ấy người dân trong làng đồng thanh reo lên nguyện vọng, ước muốn của mình trong một năm mới.

Tại buổi họp báo, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhận định, Bát Tràng là làng nghề tiêu biểu nhất cả nước do hội tụ được nhiều yếu tố nổi bật. Thứ nhất làng nghề có sự phát triển liên tục không ngừng qua hàng ngàn năm, lại là làng khoa bảng với nhiều tiến sĩ, trạng nguyên và được Bác Hồ đến thăm hai lần. Thứ hai, Bát Tràng cũng sở hữu đội ngũ nghệ nhân đông nhất cả nước (75 nghệ nhân) với cả Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và các sản phẩm của làng nghề mang tầm quốc gia, vươn ra quốc tế. Thứ ba, làng nghề không có ô nhiễm, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch đẹp và có sự gắn bó khăng khít giữa hệ thống chính quyền với sản xuất của làng nghề…

Với những yếu tố nổi bật trên, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đang ấp ủ dự định xây dựng các phiên chợ văn hóa – du lịch làng nghề ở Bát Tràng nhằm tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của làng nghề. Trên cơ sở đó, nhân rộng ra nhiều làng nghề khác trên địa bàn Hà Nội và cả nước, trước mắt là làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông).

Theo số liệu mới nhất, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 115 sản phẩm truyền thống tinh hoa. Sản phẩm làng nghề Việt đã có mặt ở hơn 100 nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 1,6 tỷ USD, năm 2016 đạt 1,9 tỷ USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần