15,8 triệu người Việt hướng tới nhu cầu vay tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho vay tiêu dùng là một hoạt động cho vay quan trọng. Đây là phân khúc đáp ứng mọi yêu cầu của người dân trong xã hội, từ việc mua sắm, học tập, cưới hỏi, nhà ở, cho đến phương tiện đi lại…

Cho vay tiêu dùng có thể đáp ứng ngay tức khắc nhu cầu của người dân, khi chưa đủ điều kiện đáp ứng các chuẩn vay của ngân hàng” - TS. Cao Sĩ Kiêm, Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Vay tiêu dùng - nhu cầu ngày càng cao

Ngày nay, các khoản vay tiêu dùng ngày càng được mở rộng. Không chỉ dừng ở những khoản vay quen thuộc như trước kia, cụ thể như vay mua xe, mua nhà, đi du lịch mà khách hàng còn tìm đến nguồn vốn vay tiêu dùng vào các mục đích như: Vay cho đám hiếu, đám hỷ, học tập… Bởi vậy, dịch vụ này ngày càng được xem là nhân tố không thể thiếu trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nói riêng và cho cả xã hội nói chung.

Theo thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng, ước tính ở Việt Nam có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh việc đem lại tiềm năng lớn cho cả tổ chức tín dụng và khách hàng thì thị trường tín dụng tiêu dùng hiện vẫn còn một số tồn tại.
Ngày nay các khoản vay tiêu dùng ngày càng được mở rộng.
Ngày nay các khoản vay tiêu dùng ngày càng được mở rộng.
Trên thực tế, với khoản vay nhỏ lẻ, so với các loại hình tín dụng thông thường khác, vốn tín dụng tiêu dùng triển khai khá dễ dàng, trở thành khe hở cho các đối tượng bất chính lợi dụng, chiếm đoạt vốn. Hiện nay, nhiều công ty tài chính chấp nhận cho khách hàng cá nhân dễ dàng được tiếp cận khoản vay tín chấp trong vòng 10-15 phút, chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc KT3 photo không cần công chứng.

Chia sẻ về vấn đề này, Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Ở Việt Nam, thị trường cho vay tiêu dùng khá mới nên cơ hội là rất lớn, song rủi ro cũng không nhỏ nếu không được giám sát chặt chẽ. Khi thị trường cho vay quá đà, điều kiện vay trở dễ dãi hơn, có thể dẫn đến việc cho vay dưới chuẩn và hệ quả cuối cùng là nợ xấu”.

Vay tiêu dùng thông thoáng sẽ đẩy lùi “tín dụng đen”

Một thực trạng trong hoạt động tín dụng tiêu dùng ở nước ta, đó là hệ thống cho vay vẫn chưa thực sự phát triển đầy đủ các kênh cấp vốn. Hiện có 2 hệ thống cấp vốn tồn tại song song. Khu vực chính thức bao gồm các tổ chức tín dụng là ngân hàng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng hoặc tổ chức tài chính vi mô. Còn ở khu vực phi chính thức là hệ thống “tín dụng đen”.

Thực tế vừa qua, có nhiều vụ việc xảy ra đối với người dân, đặc biệt là những người nghèo, thiếu hiểu biết. Do vẫn còn những kẽ hở trong quy định, chế tài còn chưa nghiêm nên tại một số địa phương, tín dụng đen vẫn còn hoành hành.

Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), từ năm 2010 đến 2014, đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Liên quan tới các vụ vỡ nợ này là 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm, bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ…

Ở Việt Nam, khó có thể thống kê được quy mô tín dụng đen. Con số được các chuyên gia nói đến gần nhất là ước khoảng 50 tỷ USD, tương đương 30% dư nợ tín dụng trong cuộc hội thảo hồi năm 2013. Trong khi đó, quy mô tín dụng tiêu dùng chính thức là khoảng hơn 10 tỷ USD, theo thống kê của Stoxplus năm 2014.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Ông Võ Trí Thành cho hay, trong giai đoạn phát triển nhất định, tín dụng phi chính thức vẫn có vai trò của nó, chứ không hoàn toàn xấu theo nghĩa đen. Đó là sự bổ sung và đáp ứng nhu cầu thực tế về vốn. Cách làm khôn khéo là làm sao phát triển thị trường chính thức phát triển, thu hẹp dần khoảng cách và thay thế cho thị trường phi chính thức, chứ không đơn thuần xóa bỏ bằng các biện pháp hành chính được. Người vay và đi vay được bảo vệ chặt chẽ bằng pháp luật, trên cơ sở minh bạch và có sự giám sát.

Cạnh tranh lành mạnh, minh bạch sẽ giảm lãi suất vay

Cho vay tiêu dùng thường có mức lãi suất cao hơn các hoạt động cho vay thương mại truyền thống. Lý do là bởi đối tượng khách hàng của các khoản vay tiêu dùng là cá nhân, quy mô vay nhỏ, kỳ hạn vay ngắn (phù hợp với giá cả của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và mức thu nhập của khách hàng vay). Phần lớn các khoản vay này được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp và không có tài sản bảo đảm. Theo khảo sát của Stoxplus năm 2015, lãi suất cho vay tiêu dùng trải rộng từ 13%/năm lên tới 63-70%/năm, tùy vào từng món vay.

TS. Cao Sĩ Kiêm cho biết: Lãi suất của các công ty tài chính bao giờ cũng cao hơn lãi suất ngân hàng, vì cho vay tiêu dùng là loại hình cho vay có mức độ rủi ro cao. Tất nhiên chủ trương chung là lãi suất cho vay cũng không được tùy tiện quá, vì dễ trở thành cho vay nặng lãi. Không nên lẫn lộn giữa ngân hàng và công ty tài chính, vì đây là 2 định chế hoàn toàn khác nhau và có quy chế hoạt động riêng biệt.

Tuy lãi suất cho vay tiêu dùng thường bị phản ứng là cao nhưng theo các chuyên gia, để điều chỉnh thì không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính mà nên hướng đến tăng cường tính cạnh tranh và minh bạch trên thị trường để giảm dần lãi suất cho vay. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, những công ty tài chính, chỉ cần đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực an toàn trong hoạt động là đủ. Nếu muốn có lãi suất thấp hơn nữa, chỉ có cách giảm lãi suất đầu vào ở các tổ chức tín dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần