18 địa phương thu ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm tiến độ

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 6, tổng thu NSNN ước đạt 563.500 tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu Nhà nước… đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.
 
Cũng theo thống kê, có 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng ngược lại, vẫn còn 18 địa phương thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ, chủ yếu do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như khai khoáng (dầu thô, khí thiên nhiên, than,...), thủy điện, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất chế biến thực phẩm,… tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo dữ liệu mới nhất được Bộ Tài chính tổng hợp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt thấp so với yêu cầu, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN giải ngân mới đạt 29,5% dự toán (xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2016); nguyên nhân chủ yếu do công tác triển khai phân bổ dự toán muộn (đến hết tháng 4/2017 mới giao kế hoạch vốn đợt 2; tổng số kế hoạch vốn đã phân bổ đạt 99,65% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 98,8% kế hoạch; vẫn còn 3,6 nghìn tỷ đồng chưa giao kế hoạch), một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao về những kết quả ngành tài chính làm được song Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn đưa ra nhận xét; nhận định, giải ngân đầu tư công còn quá chậm. 6 tháng mới chỉ giải nhân được gần 30% vốn theo dự toán... Điều này tác động đến sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động, thu ngân sách, tác động trực tiếp đến nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn. Huy động vốn khá như vậy nhưng giải ngân không được.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng cho tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng cao nhưng số doanh nghiệp giải thể cũng cao. Trung bình trong 6 tháng đầu năm, cứ 2 doanh nghiệp khai sinh thì 1 doanh nghiệp khai tử. Doanh nghiệp hoạt động nhưng vốn chủ sở hữu rất mỏng, chủ yếu dựa vào vốn vay.

Về vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn vẫn còn chậm và chưa đạt mục tiêu mong muốn, và trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài chính. Thời gian tới Bộ Tài chính phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu DNNN theo đề án đã được duyệt. Tập trung xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công thương. Chủ trì, rà soát để đưa vào danh mục cảnh báo và đề xuất xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém khác của nền kinh tế… Cùng đó, ngành cần hoàn thiện pháp luật về cổ phần hoá, thoái vốn theo mục tiêu làm sao để bịt được kẽ hở, lỗ hổng. Tránh tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm trong định giá, sử dụng đất đai khi cổ phần hoá doanh nghiệp. Đồng thời phải tạo điều kiện thông thoáng để đẩy nhanh tiến trình này.