18 sự kiện không trải nghiệm là tiếc ở Hà Nội cuối tuần này

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Cuối tuần này, tại Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn không thể bỏ lỡ, không trải nghiệm là tiếc.

1. Triển lãm “Sống mãi với Thủ đô”

Triển lãm “Sống mãi với Thủ đô” đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội sẽ kéo dài đến hết ngày 3/1/2017. Triển lãm giới thiệu những tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và một số tư liệu, hình ảnh của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội về Hà Nội giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Nội dung triển lãm gồm 3 chủ đề chính: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập”; “Hà Nội – 60 ngày đêm khói lửa” (19/12/1946 – 17/2/1947) và “Giải phóng thủ đô 10/10/1954”.

2. Lễ hội Đèn lồng Việt Nam - Hàn Quốc 2016

Lễ hội đèn lồng khổng lồ Việt Nam - Hàn Quốc 2016, diễn ra từ 3/12 đến 22/1/2017 sẽ  trưng bày hàng trăm mẫu đèn lồng kích thước lớn trên diện tích 50.000 m2 tại Leparc by Gamuda.

Lễ hội mở cửa đón khách từ 17h mỗi ngày với nhiềm mô hình đèn lồng rực rỡ sắc màu. Mỗi cụm trong khu vườn đều mang một chủ đề riêng nhằm tôn vinh văn hóa Việt Nam và thể hiện sự tiếp nhận, giao thoa với nét đẹp Hàn Quốc, tạo hình của các đèn lồng được biến tấu thú vị, bắt mắt hơn.

Nhiều chủ đề được đem đến dưới sự sáng tạo tài tình và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Khu vườn phù hợp với mọi đối tượng tham gia, tạo nên địa điểm vui chơi đặc biệt thu hút giới trẻ. Đặc biệt nơi đây có hơn 200 gian hàng ẩm thực, văn hóa cùng những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ nổi tiếng ViệtNam, Hàn Quốc.

3. Triển lãm số 3 thuộc dự án “Những chân trời có người bay 3”

Từ ngày 18/11 – 18/12, tại Nhà Sàn Collective (số 1 Lương Yên) diễn ra triển lãm số 3 thuộc dự án nghệ thuật “Những chân trời có người bay 3”.

Đó là triển lãm “Lữ trình TN1” của nhóm Phụ Lục. “Lữ trình TN1” ghi lại hành trình của Phụ Lục từ Hà Nội tới Sài Gòn trên đoàn tàu TN1. Di chuyển theo chặng đường định sẵn cùng những vật dụng cá nhân mang đầy tính ẩn dụ, nhóm nghệ sĩ trải nghiệm các lớp không gian và thời gian chồng chéo tựa như chiều dài lịch sử nhiều xung đột của lãnh thổ đất nước hai nửa Bắc Nam.

Sử dụng những đồ vật hàng ngày mang tính ẩn dụ, Phụ Lục thường thực hiện các trình diễn với những hành động được lặp đi lặp lại chậm rãi, đôi lúc dường như phi lý trong một quãng thời gian kéo dài giữa bối cảnh được dàn dựng ám thị đến các vấn đề xã hội hoặc những trăn trở cá nhân. Nhóm Phụ Lục đã tham gia chương trình Những chân trời có người bay 2 tại Hà Nội, các liên hoan trình diễn quốc tế tại Hàn Quốc và Singapore.

4. Triển lãm ảnh của Daniel Friedman

Từ ngày 19/11 – 19/12, tại Vietnam in Focus (số 46 Hàng Vải, Hà Nội) diễn ra Triển lãm ảnh của Daniel Friedman.Nhiếp ảnh gia 71 tuổi người Pháp đã sống và làm việc tại Việt Nam trên 10 năm, ông đã ghi lại những dấu ấn đáng nhớ trong quãng thời gian này.

Trong triển lãm lần này của Daniel, những tác phẩm nhiếp ảnh của ông kể về cuộc sống thường nhật tại Hà Nội và Đà Nẵng được in trên chất liệu đặc biệt – giấy dó. Chất liệu truyền thống nhưng mới lạ với nhiếp ảnh này thể hiện chiều sâu, màu sắc của bức ảnh ở một trạng thái hoàn toàn khác biệt. Công chúng sẽ đặc biệt ấn tượng với sự thể hiện tinh tế này của giấy gió – một cách nhìn khác biệt về cuộc sống xung quanh.

5. "Thành phố tuyết" lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội

Từ ngày 3/12, khu vui chơi giải trí KizCiti, Vincom Mega Mall (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ mở cửa không gian “Thành phố tuyết”.

Không chỉ gây ấn tượng bằng không gian tuyết trắng xóa, nhiều hoạt động giải trí, biểu diễn hấp dẫn sẽ được tổ chức tại không gian “Thành phố tuyết” dịp này.

Tọa lạc trong khu vực có diện tích 6000m2, đến “Thành phố tuyết”, người xem sẽ choáng ngợp bởi không gian trắng xóa của tuyết ở khắp mọi nơi, được điểm xuyết bằng các hàng dây leo phủ tuyết trắn chạy dài toàn thành phố.

Tại đây, các em nhỏ sẽ được chiêm ngưỡng Ngôi làng tuyết với núi tuyết và ngôi nhà của người Eskimo, tham gia các trò chơi trượt tuyết, ném tuyết, khám phá thành phố tí hon cùng các chú “xì-trum” thân thiện, làm bạn với gấu Bắc Cực và ghi lại những hình ảnh đáng nhớ, hòa mình cùng các giai điệu tươi vui và trẻ trung của đoàn diễu hành thành phố, cùng hóa thân thành những người bạn quen thuộc, thưởng thức các bộ phim bom tấn miễn phí trên màn hình siêu lớn…

“Thành phố tuyết” sẽ kéo dài đến hết ngày 31/1/2017.

6. Triển lãm Nghệ thuật đồ họa chữ

Triển lãm Nghệ thuật đồ họa chữ do nhóm Type Directors Club thực hiện sẽ kéo dài đến hết ngày 18/12, tại Viện Goethe (số 56 – 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Triển lãm trưng bày các tác phẩm đoạt giải cuộc thi Đồ họa Chữ xuất sắc nhất trên thế giới 2016. Năm nay, có 2000 bài dự thi từ 49 quốc gia được gửi tới dự thi trong hạng mục Thiết kế Truyền thông và Đồ họa Chữ, trong đó khoảng 400 tác phẩm đoạt giải và được triển lãm tại Mỹ, Canada, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam.

Triển lãm đặc biệt hướng tới những người yêu thích đồ họa chữ và chữ viết, bao gồm những người làm đồ họa chữ chuyên nghiệp và sinh viên các ngành thiết kế đồ họa, quảng cáo, marketing, truyền thông, đa phương tiện, xuất bản và giáo dục. Cũng trong khuôn khổ triển lãm, một workshop sẽ được tổ chức vào tháng 12 tại Hà Nội với sự hướng dẫn của nhà thiết kế đồ họa, giáo sư ngành Truyền thông Thị giác Andreas Uebele. Ông học ngành kiến trúc, xây dựng đô thị và đồ họa tự do. Năm 1996, ông sáng lập Văn phòng Uebele cho Truyền thông Thị giác với trọng tâm là định vị bản sắc thị giác, truyền thông doanh nghiệp, hội chợ và triển lãm. Ông trở thành Giáo sư ngành Truyền thông thị giác và từ năm 2002 trở thành thành viên của Type Directors Club New York.

7. Triển lãm sắp đặt “Chuối” của Trọng Gia Nguyễn

Diễn ra từ ngày 16/12 – 31/1/2017, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra triển lãm sắp đặt “Chuối” của Trọng Gia Nguyễn.

Trong tiếng Anh, từ “bananas” được dùng như một từ lóng có ý vừa phê phán vừa mỉa mai để chỉ những người Châu Á mất gốc. Hình ảnh quả chuối với hàm ý “bên ngoài thì vàng bên trong thì trắng” lột tả chân thực sự không đồng nhất giữa vẻ bề ngoài, đặc biệt là màu da, với văn hóa sống của một người. Trong tiếng Anh, “bananas” còn khiến ta liên tưởng đến một ai đó bất bình thường, có thể hiểu như một kẻ dở người. Và đúng như đặc điểm của quả chuối, tác phẩm của Trọng Gia Nguyễn cần phải được bóc tách lớp vỏ để khám phá ẩn ý bên trong.

Trong triển lãm có phần tinh nghịch và mang tính tương tác lần này, nghệ sỹ Trọng Gia Nguyễn đề cập đến những yếu tố về nguồn cội, gốc rễ của mình qua những hình ảnh ẩn dụ khác nhau, chủ yếu là để tự vấn bản thân về “thân thế” của mình.

Sinh ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, lớn lên ở Mỹ, và vừa mới quay lại sống tại Việt Nam từ hơn một năm nay, Nguyễn tự cho mình là “tên ngốc vô tư ứng xử vụng về không biết phải làm sao cho đúng với thân phận của mình”.

Trọng Gia Nguyễn đề xuất một cách tiếp cận vấn đề mang tính ý niệm nhằm lật lại vấn đề về sự cứng nhắc của những người theo chủ nghĩa thuần túy, mà theo họ thân thế của con người được xác định một cách võ đoán dựa trên đặc thù chủng tộc và giai tầng xã hội.

8. Đêm nhạc Noel

Lúc 20 giờ, ngày 16/12, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (số 27 Quang Trung) diễn ra chương trình hòa nhạc sân vườn lần thứ 13 nhân dịp Giáng Sinh. 22 ca sĩ và hợp xướng, tứ tấu dây và nghệ sỹ piano của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ trình diễn các ca khúc Giáng Sinh, như “Silent Night”, “Joy to The World”, “Halleluja”, “Canon” và một số tác phẩm âm nhạc của Nhật Bản.

9. Đêm nhạc acoustic piano và bộ gõ “Đông muộn”

Lúc 20 giờ, ngày 16/12, tại Heritage Space (Tầng 1, Dolphin Plaza, số 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Hà Nội) diễn ra Đêm nhạc acoustic piano và bộ gõ “Đông muộn”. Bộ đôi nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hoà và nhạc sĩ Vũ Nhật Tân Hai nhạc sỹ Trần Xuân Hòa và Vũ Nhật Tân sẽ tiếp tục thể hiện khả năng hòa tấu hoàn toàn mộc (acoustic) và ngẫu hứng cùng nhau, những giai điệu không thể lặp lại, bằng âm nhạc tương tác trực tiếp không sử dụng tăng âm và các thiết bị điện tử.

10. Triển lãm “Thấu” của Phi Phi Oanh

Từ ngày 16/12  – 16/1/2017, tại Manzi Art Space (số 14 Phan Huy Ích) diễn ra Triển lãm “Thấu” của Phi Phi Oanh. Triển lãm gồm loạt tác phẩm sơn mài trên kính – một thử nghiệm mà Phi Phi Oanh đang nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm.

Tại triển lãm này, các tấm kính phóng đại được sử dụng để giúp người xem chiêm ngưỡng được các lớp “da” của sơn mài. Triển lãm tạo gợi mở về đặc tính của hình ảnh với hiệu ứng thị giác kỳ ảo và mơ hồ – một hiện thân của tương lai bất chấp mọi nỗ lực nắm bắt tuyệt vọng của con người.

Trong series tác phẩm lần này, kích cỡ các lớp “da” sơn mài được mô phỏng theo kích cỡ màn hình cảm ứng máy tính bảng. Với hình thức mô phỏng đó, qua nghệ thuật sơn mài, người nghệ sĩ suy ngẫm về hình tượng đương đại mà các công nghệ mới như kỹ thuật số, truyền thông vệ tinh, công nghệ nano hay drone (thiết bị bay không người lái) mường tượng ra. Tất cả những hình ảnh này chính là một tấm gương soi cho phép chúng ta nhìn lại, để nắm bắt và thấu suốt đến tận cùng không gian và thế giới vật chất quanh mình.

Các thấu kính phóng đại tăng cường ảo giác mê hoặc của tranh sơn mài vừa phô bày những cấu trúc ẩn sâu của chất liệu ấy. Những lớp lớp sơn mài trên kính được rọi chiếu từ cả hai mặt trước và sau để lột tả triệt để những tinh túy thuần chất của sơn mài- điều khó có thể đạt được ở bất cứ một bề mặt nào khác.

11. Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn lần thứ tư

Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn lần thứ tư đang diễn ra tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ kéo dài đến hết ngày 22/12.

Triển lãm không chỉ giới thiệu các sáng tác mới nhất hoặc chưa từng công bố mà còn là dịp để các nhà điêu khắc hai đầu đất nước dành thời gian chia sẻ với nhau về các cơ hội công việc và định hướng nghề nghiệp, thúc đẩy sự mới mẻ trong lao động nghệ thuật của cá nhân, nhóm, cũng như phát hiện các nhân tố mới trong cộng đồng nghệ sĩ điêu khắc ngày càng lớn mạnh của đất nước.

Nhóm điêu khắc được hình thành từ năm 2010, với mục tiêu ban đầu là gây dựng và phát triển một tinh thần cộng đồng mới trong giới điêu khắc, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc đến gần hơn nữa với cộng đồng xã hội. Chính vì thế, bên cạnh việc luân phiên tổ chức triển lãm ở hai thành phố, nhóm còn hướng đến mô hình triền lãm tại các không gian rộng lớn, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận công chúng trẻ, trước tiên là những người cùng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Trong lần triển lãm thứ tư này, nhóm tập hợp được một đội ngũ thành viên đông đảo nhất từ trước đến nay, 28 nghệ sĩ với 56 sáng tác. Khoảng cách thế hệ giữa các nghệ sĩ là rất lớn, từ những người sinh ra trong nửa cuối thập niên 1940, 1950 đến cuối thập niên 1980, cộng với cá tính sáng tạo, môi cảnh học tập, nghiên cứu, làm việc khác nhau, chắc chắn sẽ mang đến cho công chúng một sự đa dạng, phong phú các khuynh hướng và quan niệm sáng tác điêu khắc hiện nay.

12. Triển lãm “Bộ hành cà nhắc”

Lúc 18 giờ, ngày 17/12, tại Nhà Sàn Studio (số 462 đường Bưởi, Hà Nội) diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm “Bộ hành cà nhắc” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức. “Bộ hành cà nhắc” nói về dáng đi tập tễnh, chân cao chân thấp của một khung xương không đồng đều. Nghề dựng nhà cũng giống như xây dựng cấu trúc một khung xương, căn nhà cũng là một cơ thể sống. Việc xây dựng không hệ thống, sự phát triển đứt gẫy của kiến trúc Việt Nam tạo ra một khung xương khấp khểnh.

Tuy thế, chúng ta vẫn có thể tiếp bước trong dáng điệu lạc quan. Trong triển lãm này, Nguyễn Mạnh Đức trưng bày bộ sưu tầm các căn nhà gỗ truyền thống do ông thu lượm để tái sử dụng ở các địa danh khác nhau trên đồng bằng Bắc Bộ. Ký ức những con người sống từng trong căn nhà, kí ức của một xã hội và sự ghi dấu của thời gian trôi qua đã lưu lại trên những khung nhà gỗ này.

Nguyễn Mạnh Đức đặt ra câu hỏi về việc truyền đạt kiến thức, cũng như việc giữ gìn truyền thống có thể xảy ra như thế nào trong môi trường hiện đại, đô thị hoá. Những khung, kèo cột, bệ đá, xà ngang, những chi tiết đục đẽo trang trí được trưng bày ngổn ngang gợi ý một bối cảnh khảo cổ học cho tương lai về nghề dựng nhà truyền thống đã và đang mai một. CLB Ca Trù Thăng Long sẽ biểu diễn sau khai mạc triển lãm với các ca nương trẻ Nguyên Huệ Phương, Đoàn Linh Hương và Nguyễn Lan Anh.Buổi gây quỹ dự

13. Chiếu phim gây quỹ cho Dự án phim ngắn “Bạn cùng phòng”

Lúc 15 giờ, ngày 17/12, tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD (tầng 4, số 51 Trần Hưng Đạo) diễn ra buổi giới thiệu và gây quỹ cho dự án phim ngắn “Bạn cùng phòng” và chiếu phim “Hạt cam & Con mèo vàng không tuổi”. Bạn cùng phòng là dự án phim ngắn độc lập với thể loại tâm lý siêu thực, lấy đề tài về nỗi cô đơn không thể thoát khỏi của người trẻ trong xã hội hiện đại.

14. Triển lãm tranh sơn mài “Yêu”

Từ ngày 15 – 31/12, tại Trung tâm Văn hóa Hàn (số 49 Nguyễn Du, Hà Nội) diễn ta triển lãm tranh sơn mài với tựa đề “Yêu” của hai họa sỹ Lê Văn Thìn và Trần Ngọc Hưng.

Sơn mài là chất liệu hội họa truyền thống độc đáo đòi hỏi sự lao động, sáng tạo không ngừng của mỗi họa sỹ trên mỗi con đường chinh phục. Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc là 2 trong 4 quốc gia đang cố gắng gìn giữ, kế thừa và phát huy chất liệu nghệ thuật vốn dễ bị mai một trong cuộc sống hiện đại đầy sắc màu nghệ thuật đa dạng.

28 tác phẩm hội họa sơn mài lần này là 28 tiếng yêu của hai họa sỹ tài ba Lê Văn Thìn và Trần Ngọc Hưng. Triển lãm chính là những xúc cảm “yêu” của mỗi họa sỹ, đồng điệu trong chủ đề nhưng vẫn giữ được nét riêng trong từng sáng tác.

15. Chiếu phim “Tokyo Godfathers”

Lúc 19 giờ 30 ngày 16/12, tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD (tầng 4, số 51 Trần Hưng Đạo) diễn ra buổi chiếu phim đầu tiên thuộc tháng phim Giáng sinh và năm mới với tác phẩm hoạt hình “Một đêm tuyết phủ” của đạo diễn Nhật Bản Satoshi Kon.

Dựa trên tiểu thuyết “Three Godfathers” của Peter B. Kyne, “Một đêm tuyết phủ” từng nhận được giải thưởng Excellence Prize (Giải thưởng Xuất sắc) vào năm 2003 tại Japan Media Arts Festival. Phim cũng chiến thắng giải Best Animation Film tại giải thưởng Mainichi Film Awards lần thứ 58.

Phim là câu chuyện về nhóm 3 người vô gia cư – một cô gái bỏ nhà ra đi, một người đồng tính và một kẻ nghiện rượu. Họ đã tìm thấy một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi vào đêm Giáng Sinh trong khi đang lục lọi thùng rác. Sử dụng những manh mối được tìm thấy bên cạnh em bé, họ đã đi tìm cha mẹ đứa bé khắp Tokyo, đồng thời đối mặt với lời nhắc nhở của cuộc sống rằng họ gần như đã bị bỏ rơi.

16. “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford” của Huyền Chip

Lúc 14 giờ, ngày 17/12, tại Trung tâm văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra

buổi ra mắt cuốn sách mới của tác giả Huyền Chip có tên “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford”.

“Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford” không phải là một cuốn cẩm nang du học với những gợi ý đi đâu, ăn gì, hay làm sao để nhận học bổng. Bởi Huyền Chip chưa từng và không bao giờ chọn đi lối mòn, không ngại thử thách và luôn khát khao sống khác biệt. Về nước sau chuyến đi kéo dài gần ba năm qua ba châu lục, cô khiến tất cả sửng sốt khi báo tin mình nhận được học bổng toàn phần tại một trong những ngôi trường hàng đầu thế giới. Cô bỏ lại sau lưng những chuyến đi dài ngày và những câu chuyện thị phi để trở thành một sinh viên tưởng như bất bình thường nhưng thực sự lại rất bình thường ở một ngôi trường đặc biệt như Stanford.

Không phải cuốn hồi ký với những đoạn miêu tả tâm trạng sâu lắng trữ tình hay những pha hành động cao trào, gay cấn, “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford” như một người bạn dễ gần và tin cậy, từ tốn kể về hành trình bốn mùa: Mùa Thu xao xuyến hạnh phúc với giấc mơ Stanford, mùa Đông khao khát mong chờ vì những trải nghiệm mới, mùa Xuân nỗ lực dồn sức trong môi trường khắc nghiệt và khép lại một năm khi mùa Hè rực rỡ căng tràn nhiệt huyết đã đến như lời hẹn: Lại xách ba lô lên và đi. Vì trải nghiệm đáng giá nhất chính là những trải nghiệm của cảm xúc và trái tim.

17. Workshop “Vạt Áo Ngàn Năm”

Lúc 9 giờ, ngày 17/12, tại Lan Hương Fashion House (số 18 Âu Cơ, Hà Nội) diễn ra Workshop “Vạt Áo Ngàn Năm”.

Đây là chương trình đầu tiên trong chuỗi sự kiện về “Lớp học truyền thống” thông qua sự dẫn dắt, chia sẻ của Nhà thiết kế – Nghệ nhân Áo dài Lan Hương với 20 năm làm nghề. Cùng với đó, tại Không gian Áo dài Việt đầy nghệ thuật và sáng tạo, người tham gia sẽ được sống lại cuộc đời ngàn năm của tà áo dài và mãn nhãn trước những mẫu áo trưng bày vô cùng độc đáo.

18. Chiếu phim “Ông già đêm Noel”

Lúc 16 giờ, ngày 18/12, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền) diễn ra buổi chiếu phim “Ông già đêm Noel” của đạo diễn Alexandre Coffre.

“Ông già đêm Noel” là một câu chuyện cổ tích hiện đại được kể từ những nóc nhà của Paris.Vào đêm Noel hôm nay, cậu bé sáu tuổi Antoine chỉ có duy nhất một ý tưởng trong đầu: gặp được ông già Noël và cùng nhau dạo một vòng quanh bầu trời đêm đầy sao trên cỗ xe tuần lộc…

Vì vậy, Antoine rất kinh ngạc khi “Ông già Noel”, cũng chính là tên trộm đã đánh cắp những món trang sức từ các căn hộ tọa lạc tại những khu phố lộng lẫy, xuất hiện tại ban công nhà mình. Mặc dù tên trộm đã nỗ lực thuyết phục cậu bé bỏ cuộc nhưng cuối cùng họ lại trở thành bộ đôi cùng nhau “khám phá” Paris từ mái nhà này sang mái nhà khác, mà trong cuộc hành trình mỗi nhân vật đều tìm kiếm giấc mơ của mình…