2 cuộc điện thoại mở khóa thỏa thuận "tưởng không thể" giữa Anh và EU

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây được xem là những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson nhằm đảm bảo Brexit diễn ra đúng hạn 31/10 này.

 
8h sáng 8/10, các quan chức lâu năm ở Số 10 phố Downing đã chứng kiến ​​một "thảm họa ngoại giao" diễn ra. Thủ tướng Anh Boris Johnson bị "vỗ mặt" bởi đánh giá của nhà đồng cấp Đức Angela Merkel về việc khó đạt được thỏa thuận Brexit. Berlin truyền đạt khá thẳng thắn khiến các cố vấn phía London không khỏi choáng váng.
Thế nhưng, 9 ngày sau khi phía Anh nghe kết luận rằng "một thỏa thuận về cơ bản là không thể", chuyên cơ của Chính phủ này đang chuẩn bị bay tới Brussels, nơi Thủ tướng Johnson sẽ ký một thỏa thuận Brexit với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).
Chính cuộc trao đổi "bầm dập" với nhà lãnh đạo Đức lại được xem là bàn đạp với thỏa thuận, bởi sau cuộc trò chuyện với bà Merkel, Thủ tướng Anh Johnson tìm đến một nhà lãnh đạo khác, là Leo Varadkar của Ireland. 2 người quyết định sẽ chủ động hơn với vấn đề Brexit, bằng cách gặp nhau để phá vỡ một quy tắc "bất thành văn" trước nay.
Trong 3 năm qua, EU từng khẳng định rằng không có Thủ tướng Anh nào có thể đàm phán trực tiếp với bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu nào khác. Tất cả các cuộc đàm phán đều được chuyển qua Ủy ban châu Âu tại Brussels.
Ngày 10/10 tại Thornton Manor, ông Johnson thuyết phục thành công Thủ tướng Ireland thực hiện một thỏa thuận sau cuộc nói chuyện trực tiếp gần 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, để Brussels hoàn toàn đồng thuận như lúc này, Thủ tướng Anh và đội ngũ của ông cần thuyết phục Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) - nhóm người Bắc Ireland - ủng hộ Chính phủ Johnson tại Hạ viện để thỏa thuận chắc chắn được thông qua.
Cuộc gặp giữa ông Johnson và lãnh đạo DUP Arlene Foster diễn ra hôm thứ 4 vừa qua với những mâu thuẫn rõ nét, đẩy 2 bên xa nhau hơn. Thủ tướng Anh quyết định ra đi mà không có người Bắc Ireland.
9h sáng 17/10, ông Johnson đặt cược những nỗ lực cuối cùng vào một cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Sau đó, ông tổ chức một cuộc gọi hội nghị với các bộ trưởng nội các quan trọng, trước khi gọi lại cho ông Juncker để xác nhận một thỏa thuận đã được xác lập. Đúng 2 tiếng sau, Thủ tướng Anh lên chuyến bay tới Brussels.
Trong hầu hết các hội nghị thượng đỉnh gần đây của EU, cựu Thủ tướng Anh Theresa May thường phải ăn tối một mình trong khi 27 nhà lãnh đạo khác thảo luận riêng về những gì cần làm với Brexit. Và trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, và có thể cũng là lần cuối cùng của mình, ông Boris Johnson được phép ngồi vào bàn chung, với "hợp đồng ly hôn" mới được niêm phong.
Bữa tối kết thúc, Thủ tướng Johnson lập tức quay về London để giải quyết những nhà lập pháp "khó chịu" tại quê nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần