2 “Hiệp sĩ đường phố” ở TP Hồ Chí Minh được công nhận liệt sĩ

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là trường hợp anh Nguyễn Hoàng Nam và anh Nguyễn Văn Thôi. Cả 2 anh tham gia nhóm “Hiệp sĩ đường phố” quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), đã hy sinh trong lúc bắt tội phạm.

Ngày 13/8, ông Phạm Bá Hà (SN 1969, chú ruột anh Nam) cho biết gia đình vừa được UBND phường 16, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, mời lên nhận Bằng “Tổ Quốc ghi công” đối với anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989) do đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng Liệt sĩ nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 17/7.
Bằng ''Tổ quốc ghi công'' liệt sĩ Nguyễn Hoàng Nam do đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Phạm Bá Hà, gia đình và dòng họ rất xúc động khi cháu ông là anh Nguyễn Hoàng Nam được Nhà nước công nhận Liệt sĩ. “Điều này đồng nghĩa việc cháu tôi hy sinh không uổng phí. Một người con, một người cháu trong gia đình mất đi lúc tuổi thanh xuân, không ai muốn. Nhưng hành động dũng cảm của cháu tôi rất đáng tự hào. Việc Hoàng Nam tham gia bắt tội phạm, ít nhiều cũng góp phần giúp ích cho xã hội”.
Còn anh Trần Văn Hoàng (SN 1971), nhóm trưởng “Hiệp sĩ đường phố” quận Tân Bình, bộc bạch: “Khi nghe tin em Nguyễn Hoàng Nam được Nhà nước công nhận liệt sĩ, cả nhóm chúng tôi rất xúc động. Đây là niềm an ủi lớn lao không chỉ với gia đình của Nam, mà còn là sự động viên cho chúng tôi. Hiện nhóm chỉ còn 7 người, đều có công việc khác nhau. Chúng tôi tham gia với tinh thần tự nguyện, mỗi buổi tối nếu ai rảnh rỗi thì cùng nhau đi tuần tra để góp phần ngăn chặn tội phạm”.
Cũng theo anh Hoàng, ngoài trường hợp anh Nguyễn Hoàng Nam, còn có anh Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Tạm trú phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cũng được công nhận liệt sĩ.
Mộ phần ''Hiệp sĩ đường phố'' Nguyễn Hoàng Nam.
Trước đó, vào tối 13/5/2018, nhóm “Hiệp sĩ đường phố”, gồm các anh: Trần Văn Hoàng, Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy, Lê Văn Tuyên, Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi đi tuần trên địa bàn quận Tân Bình. Lúc này các anh phát hiện 2 đối tượng khả nghi là Nguyễn Tấn Tài và Nguyễn Hoàng Châu Phú (cả 2 cùng sinh năm 1994, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) chở nhau trên xe máy, nên âm thầm bám theo.
Khi chạy ngang qua một shop quần áo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3), Phú và Tài nhìn thấy chiếc xe máy hiệu SH của anh Lỗ Hoài Phương dựng phía phía trước, không người trông coi nên cả 2 dừng lại để Tài dùng đoản bẻ khóa, trộm xe. Lập tức các “hiệp sĩ” lao vào vây bắt thì bị Tài dùng dao bấm đâm làm anh Nam, anh Thôi tử vong. Các anh Hoàng, Quý và Huy trọng thương.
Đến 20 giờ tối 14/5/2018, công an phát hiện Tài đang lẩn trốn tại nhà của vợ chồng Ngô Văn Hùng (SN 1986), Trịnh Thị Như (SN 1991) nên tổ chức vây bắt. Khi biết đồng bọn đã bị bắt, đối tượng Phú ra đầu thú.
Qua 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tại TP Hồ Chí Minh, HĐXX tuyên tử hình bị cáo Nguyễn Tấn Tài về các tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”, “Trộm cắp tài sản”, cùng 3 tội danh này Nguyễn Hoàng Châu Phú bị xử chung thân. Đối với Ngô Văn Hùng bị tuyên 4 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”, Trịnh Thị Như bị tuyên 12 tháng tù treo cùng tội danh với chồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần