20 phát ngôn ấn tượng trong 3 ngày Quốc hội chất vấn

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV là lần đầu áp dụng hình thức chất vấn “hỏi nhanh, đáp gọn”, đã có 250 ĐB Quốc hội đặt câu hỏi và tranh luận với các thành viên Chính phủ. Trong đó, rất nhiều câu hỏi và trả lời gây ấn tượng với cử tri cả nước.

Trước báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về tên gọi trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm". Trước đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép Bộ GTVT nghiên cứu thêm về tên của trạm BOT, nhưng không được gọi là trạm thu giá.
Liên quan đến vấn đề tiền ảo, trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ĐB Tạ Văn Hạ đề xuất: "Bây giờ Chính phủ vẫn chưa đặt vấn đề là vẫn đề nghị cấm hay nghiên cứu cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý quản lý tiền ảo. Tôi nghĩ rằng nên nghiên cứu theo hướng thứ 2 chứ không nên cấm, coi đây là một xu thế của phát triển. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu". Điều khiển phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Xu thế phát triển nhưng pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành tiền ảo. Cho tới giờ phút này, pháp luật Việt Nam chưa đồng ý cho lưu hành tiền ảo".
Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ĐB Nguyễn Văn Thân đặt câu hỏi: Nếu Quốc hội thông qua Luật ba vùng kinh tế đặc biệt (Đặc khu), Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh chủ tịch?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời: Nói là đặc khu là những cái đặc biệt, tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt "thì chắc cán bộ cũng phải đặc biệt". Trong dự luật cũng quy định lựa chọn người đứng đầu là Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ theo hướng: Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn. "Tôi nghĩ chắc chắc chắn sẽ chọn được người đủ đức đủ tài.
ĐB Giàng A Chu chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Quyết tâm của Chính phủ trong cuộc chiến này trong thời gian tới như thế nào? Phó thủ tướng cho biết, thời gian qua và năm 2017 đạt được kết quả to lớn, căn bản được đồng bào cử tri cả nước đồng tình ủng hộ ngay cả dư luận quốc tế đánh giá cao…Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán, Công an đã vào cuộc và kết quả đã công khai rõ ràng với các số liệu rõ ràng. “Thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc chấp hành, thực hiện nghiêm chương trình chống tham nhũng, cùng với các cơ quan tư pháp, lập pháp làm tốt, đẩy mạnh hơn công việc này”, Phó Thủ tướng cho hay.
Tham gia giải trình các chất vấn của ĐB với Bộ trưởng LĐTB&XH và Bộ trưởng GD&ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời thêm về con số 200.000 sinh viên đại học thất nghiệp. "Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nói rất kỹ số người này là số người thất nghiệp không có việc làm phù hợp hoặc không tìm được việc làm, muốn tìm việc làm mới có trình độ đại học, tính ra khoảng trên 4%, con số này tại các nước trung bình khoảng 7%. Chúng ta không có gì phải yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng", ông nói. Theo Phó thủ tướng, việc có một tỷ lệ nhất định, dù học tất cả các bậc mà không có việc làm là bình thường trên thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục.
Giải trình thêm vấn đề bạo hành trẻ em, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề nghị phải có một quy trình điều tra đặc biệt, xét xử đặc biệt. Ông cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp đứng ra làm trọng tài với các cơ quan để có một quy trình điều tra thật đặc biệt và quy trình xét xử đặc biệt hiện nay giữa cơ quan điều tra của Bộ Công an với Viện Kiểm sát tối cao. Ông cho biết việc các bên đã thống nhất quy trình để có những hướng dẫn và đang chờ có Hội đồng Thẩm phán của Tòa án thống nhất. Khi đó, quy tình điều tra các vụ việc xâm hại trẻ em không phải theo trình tự thông thường nữa.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐB Nguyễn Ngọc Phương hỏi: Xin chia sẻ với Bộ trưởng mới nhậm chức nhưng đã nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri. Xin Bộ trưởng nêu rõ tại sao lại có sự chênh lệch số chênh lệnh năm thu phí và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT. Việc thu phí BOT trên đường mở rộng, cải tạo sẽ khắc phục thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết: Theo luật và nghị định của Chính phủ, giai đoạn vừa qua Bộ đã tổ chức đầu thầu BOT và ký hợp đồng trên cơ sở được duyệt. Trong đó, nhiều phần là dự phòng, trượt giá, khối lượng, tiền dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề phát sinh do đó dự án được duyệt bao gồm các khoản phát sinh mới…. nên có giá trị lớn hơn kết quả kiểm toán. Căn cứ vào đó, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư theo dự án được duyệt nên Bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước Bộ quyết toán. Thời gian gian qua với 56 trạm BOT đã kiểm toán 50 còn 6 dự án đang triển khai. Theo hợp đồng Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư là giá trị sau kiểm toán là giá trị để Bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách phí, do đó việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên, những dự án triển khai nhanh ít phát sinh.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ĐB Phùng Văn Hùng đặt câu hỏi: “Vì sao chi phí dành cho phát triển đường sắt quá thấp?”
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định không có phân biệt đối xử trong phát triển đường sắt với các loại hình giao thông khác. Tư lệnh ngành GTVT khẳng định: "Đường sắt hay đường bộ đều quan tâm như nhau, nhưng dự án đường sắt kinh phí cao, để hình thành một đoạn tuyến cần kinh phí lớn. "Chúng tôi sẽ chọn những đoạn tuyến tốt đề đầu tư và đưa ra giải pháp cùng địa phương quản lý hành lang giao thông".
Rất nhiều ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà một cách gay gắt về vấn đề ô nhiễm không khí. ĐB Nguyễn Anh Trí dẫn báo cáo cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép trong phần chất vấn của mình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà không đồng tình với số liệu bởi còn phản ánh mang tính cục bộ. Các trạm quan trắc mà Bộ TNMT, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy.
Trả lời về tình trạng sốt đất ở những nơi dự kiến thành đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng khi đầu tư hạ tầng vào khu vực nào thì theo quy luật, thị trường sẽ đổ xô vào đó, giá cả đất đai sẽ thay đổi. Chính quyền đã ban hành quy định về quản lý đất đai như cấm giao dịch nhưng người dân vẫn giao dịch ngầm, một trong số đó là người bán ủy quyền cho người mua…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết một năm số lao động mới vào thị trường và sinh viên tốt nghiệp là 700.000 người. Nhưng số sinh viên thất nghiệp là 200.000 người. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp thanh niên toàn cầu là 13%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 11%. Do đó ông cho rằng không cần quá lo lắng về vấn đề này, nên lo lắng đến chất lượng lao động, chất lượng việc làm.
Nói về vấn đề bạo hành ở các cơ sở mầm non, Bộ trưởng Nhạ khẳng định, với trách nhiệm người đứng đầu, ông rất phản đối và có những chỉ đạo, kiên quyết những giáo viên này phải đưa ra khỏi ngành ngay, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra bạo hành, sẽ đình chỉ và thậm chí giải thể, đóng cửa. Chủ tịch Quốc hội thì cho rằng bạo hành trẻ mầm non có trách nhiệm của cả cộng đồng cả hệ thống chính trị ở địa phương chứ không phải chỉ mỗi Bộ trưởng.
ĐB Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục Việt Nam thì đó là gì thưa Bộ trưởng?". Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Để trả lời câu hỏi này phải có một hội thảo khoa học thì Bộ trưởng mới có câu trả lời. Tôi đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm với ĐB".
Sáng 4/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, ĐB Nguyễn Sỹ Cương tranh luận với Bộ trưởng GTVT về việc vi phạm giao thông bị bỏ qua. Ông đề nghị: "Nếu buổi trưa hôm nay Bộ trưởng không bận thì tôi mời Bộ trưởng ra đứng ở một ngã tư khoảng 10 phút, chúng ta đếm tỷ lệ vi phạm diễn ra và xử phạt". Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đi vào lý giải thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Trưa nay mời Bộ trưởng ăn rồi nghỉ ngơi nghiên cứu trả lời tiếp chứ không phải ra ngã tư".
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, ĐB Nguyễn Tiến Sinh rất quan tâm là làm sao để thu hồi thất thoát. ĐB dẫn chứng: Ví dụ Công ty TNHH MTV Giao thông công chính thuộc Tổng công ty cấp thoát nước Sài Gòn trong cổ phấn hóa đã bán luôn lô đất không đầu tư gì thu lời 40 tỷ. “Vậy chúng ta còn bao nhiêu doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã bán trao tay thì chúng ta còn thu được lại tiền hay không? Cái nữa là xử lý trong vụ việc này thế nào, ai là móc ngoặc, ai là lợi ích nhóm?”, ĐB đoàn Hòa bình chất vấn Tư lệnh ngành TNMT.
Là người viết lịch sử ngành đường sắt, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng ngành này gần như bị “bỏ rơi”. "Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ ra, nhiều hợp đồng còn đường sắt không những lớn mà chúng ta phải làm tổng thể. Cho nên đó là lý do làm cho chúng ta ít quan tâm đến đường sắt, không mang lại những lợi ích cho những nhóm lợi ích", ông đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
20 phát ngôn ấn tượng trong 3 ngày Quốc hội chất vấn - Ảnh 17
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ hơn về việc BOT đi theo mở rộng quốc lộ 1A và những BOT làm một nơi thu phí một nơi như tuyến tránh Phúc Yên, BOT Phước Tượng - Phú Gia ở Thừa Thiên - Huế… tuân theo quy hoạch nào của Bộ, ai chịu trách nhiệm?
ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, chiều 6/6: Đã 3 lần Chính phủ lỡ hẹn cải cách tiền lương với khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Lý do cả 3 lần lùi đều vì không có nguồn lực. ĐB bày tỏ kỳ vọng về Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách tiền lương mới được Tổng Bí thư ký ban hành và đề nghị, với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo về cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm rõ với Quốc hội việc chuẩn bị nguồn lực để thực hiện đề án.
Tranh luận với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, ĐB Đặng Thuần Phong nêu hàng loạt bất cập của giáo dục mầm non như phát triển không đồng đều, chất lượng không ổn định, nguồn lực đầu tư thấp... "Như vậy mà mầm non được đánh giá cao thì tôi cũng không hiểu thế nào", ông nói. Trước chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận đúng.
ĐB Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật đặc khu vẫn đang được xem xét nên cần có thời gian để trả lời, do đó, Chính phủ sẽ trả lời ĐB bằng văn bản sau.