200 đại biểu bàn về điều được và mất của xã hội hóa văn học, nghệ thuật

Lại Tấn - Ảnh: Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/12, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”.

Dự hội thảo có Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật T.Ư Nguyễn Thế Kỷ và hơn 200 đại biểu tham dự.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật T.Ư Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ: Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết được khẳng định trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ thời kỳ đổi mới. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã thể chế hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này được thuận lợi và đúng đắn.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, việc ban hành chủ trương lớn này của Đảng đã đáp ứng được đòi hỏi khách quan của thực tiễn, từng bước lan tỏa trong đời sống và tạo được sự tham gia rộng rãi của các lực lượng trong xã hội. Huy động được các nguồn lực to lớn, tạo thêm điều kiện để phát triển văn học nghệ thuật ở nước nhà.
Đến nay, sau thời gian thực hiện chủ trương xã hội hóa, thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu phải tổng kết, đánh giá toàn diện sâu sắc có tính hệ thống chủ trương, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời về vấn đề này.
Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật T.Ư Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại Hội thảo, hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia đến từ các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã đánh giá cao chủ chương XHH. Sau 21 năm vận hành, dưới sự tác động của chủ trương này, hoạt động VHNT đã có những thay đổi khá toàn diện từ phương thức tổ chức, hoạt động đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh những ý kiến khẳng định tính đúng đắn, phù hợp và là xu thế tất yếu của chủ trương XHH, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra nhiều vướng mắc, nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi nơi nhận thức một khác; cách làm, phương thức hoạt động còn mang tính tùy tiện; hệ thống thiết chế quản lý thiếu đồng bộ, cụ thể và chưa phù hợp. Theo nhiều đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Nhà nước có xu hướng thả nổi, để mặc tư nhận tư lo, tự xoay sở khi thực hiện chủ trương XHH.
Quang cảnh Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dù quá trình xã hội hóa VHNT còn nhiều bất cập nhưng suy cho cùng, không thể quay lại thời bao cấp. Nghị quyết đã ra đời về xã hội hóa hoạt động VHNT cách đây hơn 20 năm đến nay vẫn rất đúng và trúng, nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân và tăng cường vai trò của các hội, đặc biệt là Hội VHNT. Trong đó có một ý rất quan trọng là, dù tiến hành xã hội hóa hoạt động VHNT nhưng Nhà nước không buông và nắm vai trò chủ đạo.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong nhiều vấn đề còn tồn tại của xã hội hóa VHNT, bao trùm lên tất cả là nhận thức của các nhà quản lý, của những người làm công tác văn hóa còn chưa đúng, đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Do vậy, hội thảo lần này được tổ chức đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh hướng về các hoạt động VHNT được xã hội hóa. Thực trạng về suy thoái đạo đức, về các hiện tượng đáng báo động trong xã hội có một phần đóng góp từ việc buông lỏng quản lý văn hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần