2019 - “lò đã nóng” như thế đó

Quý Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/10/2019, trong buổi tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thông báo hơn nửa nhiệm kỳ qua chúng ta đã kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý.

Sấm sét giáng vào đầu tham nhũng
Năm 2019, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta tiếp tục được tiến hành, hàng loạt cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên T.Ư, tướng lĩnh bị kỷ luật. Từ Ủy viên Bộ Chính trị đến nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các tướng lĩnh công an, quân đội… Thậm chí, đã có nhiều cá nhân còn phải chịu trách nhiệm hình sự về những sai phạm của mình.
Tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được thông suốt từ trên xuống dưới.
 Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn tại phiên tòa.
Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh - nguyên Phó Thủ tướng, vì đã ký một số văn bản ý trái với kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với tái cơ cấu DN Nhà nước...
Trong năm 2019, Bộ GTVT có đến 4 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng cùng bị kỷ luật vì có những vi phạm nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại một số DN thuộc Bộ GTVT.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức vụ trong Đảng và bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2017. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công bị kỷ luật cảnh cáo. Hai ông Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Ở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư thi hành kỷ luật với mức cảnh cáo vì vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng, về trách nhiệm nêu gương...
Sau khi Ban Chấp hành T.Ư Đảng khai trừ Đảng hai cựu ủy viên T.Ư, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, 2 ông đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Cả ông Son và ông Tuấn đã bị cáo buộc “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Cả hai vừa phải hầu tòa sơ thẩm mức án dành cho ông Son là chung thân, ông Tuấn là 14 năm tù.
Tại Khánh Hòa, ngoài ông Lê Thanh Quang - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, hàng loạt lãnh đạo tỉnh này từ Chủ tịch (ông Lê Đức Vinh) đến Phó Chủ tịch (ông Đào Công Thiên) đều bị cách chức. Cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Chiến Thắng cũng bị xóa tư cách chức vụ trong quá khứ.
Điểm mới của công cuộc “đốt lò”
"Chưa bao giờ chúng ta xử được tội nhận hối lộ, như trước đây toàn là thiếu trách nhiệm và vi phạm việc nọ việc kia, gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng chưa bao giờ chúng ta thu được tài sản lớn như thế. Vụ AVG thu hồi được cho Nhà nước số tròn là 8.500 tỷ đồng" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.
Đây là lần đầu tiên tòa xử một cán bộ cấp cao tội nhận hối lộ và cũng là lần đầu thu hồi được khối tài sản lớn.
Trong năm 2019, người dân ghi nhận thái độ cương quyết của Đảng khi kỷ luật rất nhiều tướng lĩnh quân đội, công an. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Hiến cũng bị cách chức trong Đảng, xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân do vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng. Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình trong thời gian giữ cương vị Chính ủy Quân chủng Hải quân cũng đã có nhiều sai phạm và bị kỷ luật cảnh cáo.
Vụ án liên quan đến Út Trọc (Đinh Ngọc Hệ), 2 đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng vì liên quan việc bổ nhiệm, phong hàm sai quy định.
Tại Đồng Nai, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Hồ Văn Năm bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai; đại tá Huỳnh Tiến Mạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị mất chức vì để nhiều cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật và pháp luật; vi phạm trong công tác cán bộ; để Phòng CSGT (do ông trực tiếp phụ trách) xảy ra vi phạm kéo dài, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có 1 cựu Giám đốc, 2 Phó Giám đốc cùng 2 cựu Phó Giám đốc công an tỉnh này phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Lịch sử cho thấy, thời đại nào, xã hội nào, chế độ nào cũng có tham nhũng, ngành nào, môi trường nào cũng có tham nhũng và cần chống. Bởi, tham nhũng là bản chất của lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Tham nhũng làm mất lòng tin của dân, có thể làm sụp đổ một chế độ.
Ông Nguyễn Văn Bính - đại tá cựu chiến binh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), phấn khởi: “Người dân chúng tôi cảm nhận được năm 2019, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” cũng phần nào được khắc phục, không chỉ “củi khô” mà “củi tươi”, “củi gộc” cũng đã cháy. Đảng đã tiến hành chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.
Sự kỳ vọng của người dân

Tại “Hội nghị Toàn quốc Tổng kết Công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020” của Ban Tổ chức T.Ư, ông Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, ông Trần Quốc vượng đề cập: “Chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta". Rất chính xác!
Đảng đã và đang làm cho Nhân dân cảm nhận được thái độ kiên quyết tiêu diệt "lợi ích nhóm, lợi ích ngành" trong đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc tiếp tục công cuộc “đốt lò”, tiêu diệt các “con sâu” tiêu cực trong bộ máy chính quyền thì Đảng và nhà nước đang hướng tới cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch và dân chủ.
Mới đây, Tổng Bí thư chủ trì họp với các lãnh đạo chủ chốt đã một lần nữa khẳng định: "Phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vừa qua ta đã làm tốt. Phải làm tiếp, không được nghỉ. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt".
Ông yêu cầu công cuộc phòng chống tham nhũng không được ngơi nghỉ, không được để người dân có suy nghĩ Đảng và Nhà nước chùng xuống. Để cho Nhân dân đón nhận các thông tin Quảng Nam, Đà Nẵng, tới lượt Bà Rịa - Vũng Tàu “chưa phát hiện hành vi tham nhũng” không một chút boăn khoăn, hồ nghi.
Người dân kỳ vọng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tiêu cực, tham nhũng sẽ tiếp tục có bước tiến, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Lịch sử cho thấy, thời đại nào, xã hội nào, chế độ nào cũng có tham nhũng, ngành nào, môi trường nào cũng có tham nhũng và cần chống. Bởi, tham nhũng là bản chất của lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Tham nhũng làm mất lòng tin của dân, có thể làm sụp đổ một chế độ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần