21 người chết và mất tích, hàng trăm hộ dân phải di dời do mưa lớn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 18 giờ chiều 20/7, mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và đời sống sản xuất của nhân dân.

Theo đó, đã có ít nhất 10 người bị chết (Yên Bái 8 người chết do sạt lở đất, Thanh Hóa 2 người chết do lũ quét) và 11 người hiện còn đang mất tích (Yên Bái 9 người do lũ cuốn, Thanh Hóa 2 người do lũ quét). Ngoài ra, 98 nhà dân bị sập đổ, cuốn trôi và trên 827 nhà dân bị ngập.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở Yên Bái. Ảnh: Tiến Hiệp/Vnexpress.net
Mưa lớn cũng khiến ít nhất 365 hộ dân phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 15 nhà, Yên Bái: 11 nhà, Hòa Bình: 118 nhà, Quảng Ninh: 206 nhà, Thanh Hóa: 15 nhà). Đến chiều qua, các hộ dân vẫn chưa thể trở về ổn định lại đời sống do mưa lớn vẫn còn tiếp diễn.
Ngành nông nghiệp cũng tổn thất khá nặng nề do mưa lũ đợt này. Thống kê cho thấy, đã có gần 4.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng 2.868ha. 69.890ha lúa và 12.570ha hoa màu.
Hạ tầng giao thông cũng bị tổn thương khá nghiêm trọng. Tại Sơn La: Quốc lộ 6 đoạn qua khu vực xã Lóng Luông sạt lở 1.000m3 đất, đá. Tại Quảng Ninh, giao thông chia cắt không vào được huyện Ba Chẽ do ngầm tràn đang bị ngập sâu 2m. Tại Nghệ An, tuyến đường Hương - Phú - Hành, tuyến đường xã Đồng Văn đi Tân Hợp, tuyến đường trên bịa bàn xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Cao Sơn bị chia cắt do tại một số điểm ngầm tràn đang bị ngập sâu...

Đề cao trách nhiệm các cấp trong ứng phó thiên tai

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ sau bão số 3 tại một số tỉnh phía Bắc và Trung bộ, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) từ năm 2017 đến nay và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để sơ tán, hỗ trợ người dân, cũng như có các phương án phù hợp để ứng phó khi sự cố xảy ra.
Để chủ động, hoàn thành tốt công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ nay đến cuối năm 2018 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, ý thức phòng, tránh cho người dân để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; chủ động kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần sát tình hình thực tế của địa phương.

Sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Chiều 20/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai phát đi Công văn số 349 đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Cụ thể, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, biển Đông đang tiếp nhận một áp thấp nhiệt đới với sức gió giật cấp 8. Áp thấp nhệt đới đang di chuyển chậm với tốc độ 5km/giờ. Đến trưa mai (21/7), sẽ ở vị trí 19,1 độ Vĩ Bắc, 117,6 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị, các địa phương theo dõi chặt chẽ biễn biến áp thấp nhiệt đới. Khẩn trương thông tin cho các chủ phương tiện, tàu thuyền hiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tiếp tục kiểm đếm, kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.