22 nước dự Đại hội Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương tại Đà Nẵng

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Quốc tế ngữ và sự đa dạng văn hóa ở châu Á và châu Đại Dương”, sáng 26/4, Đại hội Quốc tế ngữ châu Á - Châu Đại Dương lần thứ 9 (AK9) đã khai mạc tại TP Đà Nẵng.

Việt Nam sử dụng Quốc tế ngữ khá sớm
Dự AK9 có gần 300 đại biểu là các nhà Quốc tế ngữ đến từ 22 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự kiện lần này do Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương phối hợp với Hội Quốc tế ngữ Việt Nam, thành viên của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 25 đến 28/4/2019 tại Đà Nẵng. Đây là lần thứ 2 Việt Nam được lựa chọn đăng cai tổ chức Đại hội Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương, sau lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1999.
Các đại biểu chủ trì Đại hội Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương lần thứ 9.
Quốc tế ngữ (Esperanto) đã được bác sỹ nhãn khoa LudwikLejzer Zamenhof, người Ba Lan sáng tạo ra và công bố vào năm 1887. Ngôn ngữ này được xây dựng để sử dụng cho giao tiếp quốc tế, tạo nên tiếng nói chung cho nhân dân các nước và không bị chi phối bởi sự khác biệt của bất cứ nền văn hóa nào. Sau 132 năm hình thành và phát triển, Quốc tế ngữ đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng Quốc tế ngữ khá sớm. Từ năm 1907, Quốc tế ngữ đã được sử dụng tại Đông Dương, với Việt Nam là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế trong khu vực. Hiện tại Quốc tế ngữ đã trở thành một bộ phận trong đời sống văn hóa của các thế hệ Việt Nam với rất nhiều tài liệu, hệ thống sách tư liệu và từ điển bài bản.
Tại đại hội, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ mong muốn AK9 sẽ là một cú hích cho phong trào học và sử dụng Quốc tế ngữ tại châu Á và châu Đại Dương nói chung, tại Việt Nam và Đà Nẵng nói riêng; đồng thời, tin tưởng phong trào Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương sẽ không ngừng lớn mạnh trong tương lai, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác của nhân dân các nước trong khu vực. Đây cũng là dịp tri ân giới Quốc tế ngữ đã luôn ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu sẽ tham dự các phiên toàn thể, hội thảo chuyên đề, các hoạt động giới thiệu về giáo dục, nghiên cứu, hợp tác, hội chợ phong trào, giao lưu văn hóa nghệ thuật, cũng như trao đổi nghiên cứu hợp tác nhằm tìm ra những phương cách để cùng phát triển hơn nữa Quốc tế ngữ; gắn kết các phong trào Quốc tế ngữ trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Cơ hội quảng bá của chủ nhà
Song song với các chương trình báo cáo chuyên đề, sẽ có các tour du lịch tham quan các thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch và con người của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Chào mừng Đại hội lần này, Hội Quốc tế ngữ Việt Nam đã xuất bản cuốn sách Tuyển tập Văn học Việt Nam qua các thời kỳ, bằng tiếng Quốc tế ngữ (Esperanto). Trước đó, tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng đã được dịch thuật sang tiếng Quốc tế ngữ và xuất bản vào năm 2012. Các bản dịch này sẽ được Hội Quốc tế ngữ Việt Nam ghi vào danh sách Tuyển Văn hóa Đông Tây, cùng với nhiều tác phẩm của các đại văn hào lớn trên thế giới.
Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ châu Á được thành lập vào ngày 28/7/1994 tại Đại hội Quốc tế ngữ Toàn cầu lần thứ 79 tại Seoul, Hàn Quốc nhằm mục đích gắn kết và phát triển phong trào Quốc tế ngữ tại khu vực và được đổi tên thành Ủy ban phong trào Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương sau khi kết nạp thêm 2 thành viên là Hội Quốc tế ngữ Australia & New Zealand vào năm 2017.
AK là sinh hoạt lớn nhất của phong trào Quốc tế ngữ châu Á - châu Đại Dương, được tổ chức 3 năm 1 lần tại mỗi nước khác nhau, lần đầu tiên tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 1996.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần