265 hộ dân phải di dời, nhiều khu vực vẫn bị chia cắt do mưa lớn sau bão số 3

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có báo cáo thống kê tình hình thiệt hại do mưa lớn từ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 3 những ngày qua.

Ảnh minh họa.
Theo đó, đã có 21 nhà dân bị sập (Yên Bái: 8 nhà; Hòa Bình: 1 nhà; Quảng Ninh: 1 nhà; Thanh Hóa: 3 nhà; Nghệ An: 7 nhà; Hà Tĩnh: 1 nhà). 827 nhà dân bị ngập (Yên Bái: 17 nhà; Hòa Bình: 34 nhà; Quảng Ninh: 46 nhà, Thanh Hóa: 730 nhà). Mưa lớn cũng khiến 365 hộ dân phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 15 nhà, Yên Bái: 11 nhà, Hòa Bình: 118 nhà, Quảng Ninh: 206 nhà, Thanh Hóa: 15 nhà). Hiện, các hộ dân vẫn chưa thể trở về ổn định lại đời sống do mưa còn tiếp diễn.
Ngành nông nghiệp cũng tổn thất khá nặng nề do mưa lũ đợt này. Thống kê cho thấy, đã có gần 4.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng 2.868ha. Hiện, các khu vực thấp trũng ven biển từ Nam Định đến Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu. Cụ thể, lúa: 69.890ha (Nam Định: 27.530ha; Ninh Bình: 5.290ha; Hòa Bình: 80ha; Hà Nội: 293ha; Thanh Hóa: 14.590ha; Nghệ An: 12.250ha; Hà Tĩnh: 6.940ha). Hoa màu: 12.570ha (Thanh Hóa: 2.600ha; Nghệ An: 6.740ha; Hà Tĩnh: 3.200ha)
Hạ tầng giao thông cũng bị tổn thương khá nghiêm trọng. Tại Sơn La: Quốc lộ 6 đoạn qua khu vực xã Lóng Luông sạt lở 1.000m3 đất, đá. Tại Quảng Ninh: Giao thông chia cắt không vào được thị trấn Ba Chẽ do ngầm tràn đang bị ngập sâu 2m. Tại Nghệ An: Tuyến đường Hương - Phú - Hành, tuyến đường xã Đồng Văn đi Tân Hợp, tuyến đường trên bịa bàn xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Cao Sơn bị chia cắt tại một số điểm ngầm tràn đang bị ngập sâu.
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đang tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả ngay sau khi bão đi qua. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa sau hoàn lưu bão, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa vụ mùa mới gieo xạ, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích lúa bị mất trắng. Đồng thời, kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước.
Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần