3 ẩn ý đằng sau cụm từ "con đường mới" ông Kim Jong-un đề cập ngày đầu năm mới

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên "phẫn nộ" hay thực sự có âm mưu gì mới? Bài phát biểu năm mới của ông Kim Jong-un để lại nhiều quan ngại với cụm từ "con đường mới".

Trong bài phát biểu năm mới hôm 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cảnh báo ông có thể đi theo “con đường mới”, nếu Washington duy trì các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh Bình Nhưỡng thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng giới phân tích cho rằng đã quá muộn để thay đổi quỹ đạo đàm phán với Mỹ. 

Cụ thể, giới chuyên gia cho biết, cảnh báo của lãnh đạo Triều Tiên có thể tương tự lời hiếu chiến mà Bình Nhưỡng “tuôn ra” trước hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, nhưng ông Kim khó có thể “liều mạng” gây rủi ro với mối quan hệ rất khó khăn để tan băng thời gian qua với Mỹ, và có rất ít lựa chọn cho một “con đường mới”.

 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Truyền thông Mỹ trong những tuần gần đây đã cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ có nguy cơ quay lại những biện pháp “thử lửa” bằng cách tăng cường trừng phạt, đồng thời ghi nhận những nỗ lực tiếp tục đàm phán của ông Trump.

Trong bối cảnh cả hai bên đấu tranh để tìm ra một bước đột phá trong đàm phán đình trệ, bài phát biểu năm mới cho thấy ông Kim đang muốn đánh lạc hướng các lời kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân và hướng vào các quốc gia khác ngoài Mỹ.

Câu hỏi thứ nhất: Đây có phải phản ứng phẫn nộ của ông Kim Jong-un?

Ông Kim đã cam kết hướng đến phi hạt nhân hoá tại hội nghị thượng đỉnh với ông Trump ở Singapore vào tháng 6/2018. Tuy nhiên vẫn chưa có tiến triển mấy, trong khi một cuộc gặp cấp cao giữa hai bên bị hủy bỏ vào tháng 11/2018.  

Bình Nhưỡng đã yêu cầu Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt và tuyên bố chấm dứt chính thức Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) như động thái đáp trả việc dỡ bỏ khu vực thử hạt nhân Punggye-ri và một khu sản xuất động cơ tên lửa then chốt.

Bất chấp những phản ứng thiện chí từ Washington, như tạm dừng một số cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc, giới chức Mỹ cho rằng các bước đi trên của Triều Tiên chưa đủ để xác nhận và có thể thay đổi dễ dàng.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Triều Tiên sẽ không bị buộc phải cung cấp danh sách vũ khí hạt nhân và địa điểm, trong khi một đặc phái viên của Mỹ về hạt nhân đề nghị tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo.

Tuy nhiên bài phát biểu năm mới của ông Kim đã kêu gọi “dừng hoàn toàn” tất cả các cuộc tập trận chung và chiến dịch trừng phạt.

Vipin Narang, nhà phân tích tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết “thông điệp của ông Kim là chúng tôi đã thực hiện những gì cam kết tại hội nghị ở Singapore, nhưng Mỹ đã đáp lại quá khiêm tốn”.

Câu hỏi thứ hai: “Con đường mới” mà ông Kim Jong-un đề cập là gì?

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã tăng cường chỉ trích Mỹ, cảnh báo về việc trở lại kỷ nguyên đối đầu nếu các lệnh trừng phạt duy trì. Nhưng điều đó cho thấy sự thất vọng của Bình Nhưỡng hơn là “con đường mới” mà ông Kim gợi ý, theo giới chuyên gia.

“Một điều rõ ràng: Ông Kim sẽ không quay lại với thế đối đầu, mà Mỹ và các đồng minh coi là nguy cơ tấn công quân sự, sẽ không có vụ thử nghiệm tên lửa hay hạt nhân nào trong tương lai gần”, chuyên gia Harry Kazianis của Trung tâm lợi ích quốc gia tại Washington cho biết.

Thay vào đó, “con đường mới” có thể tập trung vào các nhượng bộ không liên quan đến phi hạt nhân hóa rộng rãi, theo hướng có lợi cho các cam kết hành động.

Hôm 2/1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ không thể suy đoán “hướng đi thay thế” là gì, nhưng ông Kim đã cho thấy quyết tâm cao để từ bỏ chương trình vũ khí và cải thiện quan hệ với Mỹ bằng cách lần đầu đề cập đến cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Kim Joon-hyung, giáo sư tại Đại học Toàn cầu Handong, cho biết một kịch bản là Triều Tiên sẽ tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, như đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm ngoái, đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhằm tái khởi động một phần các dự án kinh tế liên Triều.

Ông Kim Jong Un trong bài phát biểu năm mới cũng cho biết sẵn sàng mở lại công viên nhà máy Kaesong và cho phép tiếp cận khu resort Núi Kumgang của nước này.

Cơ hội để hạn chế kho vũ khí của Triều Tiên vẫn còn, chuyên gia Patrick Cronin thuộc Viện Hudson ở Washington cho biết.

“Điều này sẽ không dễ dàng, và không bên nào đạt được thành công hoàn toàn, nhưng ngoại giao là có thể”, ông Cronin nói. “Trung Quốc và những quốc gia khác cũng có thể tham gia đóng vai trò”.

Câu hỏi thứ 3: Liệu Triều Tiên muốn đổi hướng trọng tâm khỏi Mỹ?

Bài phát biểu năm mới kêu gọi một loạt đàm phán đa phương để kết thúc hoàn toàn chiến tranh Triều Tiên, một ý tưởng Hàn Quốc trước đó từng đưa ra.  

Điều này đồng nghĩa phối hợp với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác thúc ép Washington, GS Kim nói.

Nhưng các chuyên gia khác, bao gồm cựu đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Lee Soo-hyuk, đã hoài nghi việc này trong bối cảnh các cuộc đàm phán song phương bế tắc, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và ông Trump không thích các cơ chế đa quốc gia.

“Ông Kim Jong-un có thể đưa ra một lựa chọn cho ông Trump: Hoặc là chơi bóng với tôi trong một thỏa thuận hạt nhân được đàm phán và giảm bớt các biện pháp trừng phạt hoặc tôi sẽ đến Trung Quốc để tìm kiếm giúp đỡ và có được sự phát triển kinh tế mà tôi muốn và giữ lấy vũ khí hạt nhân của mình”, ông Kaz Kazis nói.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần