3 biện pháp giải độc Methanol

Bài, ảnh: Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, việc sử dụng 5 lít bia hỗ trợ quá trình lọc máu giải độc rượu là cách làm sáng tạo nhưng không được khuyến khích áp dụng.

Trong mấy ngày qua, dư luận xôn xao sự việc bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị sử dụng bia để hỗ trợ lọc máu giải độc rượu cho bệnh nhân. Chia sẻ với báo chí tại Bộ Y tế chiều 11/1, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhận định, đây là một trường hợp đặc biệt, nhóm cấp cứu bệnh viện đã có sự cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định sử dụng bia.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại hội nghị.
Bác sĩ Trung Nguyên cho biết, hiện nay có 3 biện pháp chính để giải độc Methanol, đó là sử dụng thuốc Fomepizole (một loại thuốc chuyên biệt dành cho người ngộ độc Methanol), lọc máu cấp cứu và dùng Ethanol bơm vào tĩnh mạch hoặc Ethanol đường uống. Tuy nhiên, thuốc giải độc Fomepizole có giá thành từ 3.000 USD đến 4.000 USD, đồng thời không được Bộ Y tế hỗ trợ. Do đó trong điều kiện của các bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở vật chất còn hạn chế không thể chủ động sử dụng loại thuốc chuyên biệt này. Đối với Ethanol dùng để bơm tĩnh mạch, tuy rằng biện pháp này không đắt, nhưng khi với nguồn kinh phí hạn hẹp, bệnh viện khó có thể trữ sẵn một lượng lớn sẵn sàng cứu bệnh nhân.
Mặt khác, hiện nay Ethanol trên thị trường đang bị làm giả, các bác sĩ, bệnh viện phải rất vất vả trong việc tìm chọn nhà cung cấp Ethanol có uy tín. Trong khi đó, bia cũng có chứa Ethanol và ít bị làm giả hơn, vì vậy được lựa chọn để sử dụng. Từ đây, bác sĩ Trung Nguyên mong người dân cũng có cái nhìn chuẩn xác hơn trong sự việc sử dụng 5 lít bia để hỗ trợ lọc máu giải độc rượu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. "Chúng tôi mong cộng đồng ghi nhận nõ lực cứu sống bệnh nhân của các bác sĩ, tuy nhiên không tự ý, mù quáng áp dụng phương pháp này" - bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên cũng thông tin thêm về 2 chất là Methanol và Ethanol. Methanol là chất cồn thường dùng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm sử dụng trong pha chế, sản xuất rượu, thực phẩm. Methanol khi vào cơ thể chuyển hóa thành chất gây độc lên hệ thần kinh, gây tổn thương não, tổn thương võng mac dẫn đến mù lòa, nặng hơn là suy đa phủ tạng và tử vong. Trong khi đó, chất cồn có trong rượu, bia phải là cồn thực phẩm Ethanol đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Tuy nhiên, Ethanol cũng là chất có nguy cơ gây ngộ độc, hôn mê, suy hô hấp và tử vong nếu uống rượu, bia nhiều. Ở mức độ dung nạp khác nhau, Ethanol gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tụy, thận, đại - trực tràng, vú), gây rôi loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy), bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính), ảnh hưởng tới giống nòi và phát triển bào thai.
"Người dân cần phân biệt giữa ngộ độc Methanol và Ethanol để hiểu lý do của việc không tự ý sử dụng bia để giải độc" - bác sĩ Trung Nguyên nói. Triệu chứng ban đầu của hai loại ngộ độc rất giống nhau, bệnh nhân đều say, mất tỉnh táo. Tuy nhiên, ngộ độc Methanol xuất hiện chậm hơn, chỉ có thể phát hiện khi bệnh nhân tỉnh dậy thấy có biểu hiện khác như mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, sau đó rơi vào tình trạng chậm chạp và có thể tiếp tục hôn mê. Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc Methanol, việc uống thêm bia có thể có tác dụng làm chậm hoặc tạm dừng quá trình chuyển hóa Methanol của cơ thể, giúp cơ thể thánh bị nhiễm độc. Tuy nhiên, việc này không có tác dụng giải độc, thậm chí khiến bệnh nhân ngộ độc thêm Ethanol, khiến tình trạng thêm trầm trọng. Đây cũng là lý do khiến người uống rượu trộn với bia rất nhanh say do lượng ethanol, methanol đưa vào cơ thể có nồng độ khác nhau.
Từ đây, bác sĩ Trung Nguyên đưa ra khuyến cáo: “Hiện nay trên thị trường lan tràn các loại rượu giả, cồn 90 độ dùng để sát trùng có chứa Methanol. Cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc Methanol đó là người dân không nên sử dụng các loại rượu giả, rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc”. Nếu bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc thì cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp bệnh nhân say rượu (tức ngộ độc dạng nhẹ), người nhà nên cho bệnh nhân uống đủ nước, ăn đủ đường, có thể sử dụng các loại nước quả hoặc oresol để đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Trước tình trạng bệnh nhân ngộ độc Methanol tăng lên mỗi năm, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Sử dụng rượu bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia.
2.Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc ethanol có trong rượu, bia mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia có ethanol thì mức độ ngộc độc càng nghiêm trọng.
3. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần