3 cơn bão tàn phá buộc Triều Tiên phải điều chỉnh chiến lược

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên thời gian qua liên tục hứng chịu bão lũ, tàn phá hàng loạt cơ sở hạ tầng, khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải xem xét lại các dự án lớn từng được lên kế hoạch cho năm nay.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát khu vực bị thiệt hại do bão ở tỉnh Nam Hwanghae hồi tháng 8.
Theo hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA), cơn bão đổ bộ vào tỉnh Hamgyong Nam, phía Đông Bắc Bình Nhưỡng đầu tuần này đã phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà, ảnh hưởng đến ngành khai thác mỏ, xóa sổ nhiều tuyến đường sắt, làm sập 59 cây cầu dẫn đến tê liệt hoàn toàn hệ thống giao thông.
Đây là trận bão thứ 3 liên tiếp đổ bộ vào bán đảo Triều Tiên kể từ cuối tháng 8, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn bởi các lệnh trừng phạt sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa vào năm 2017. Tại cuộc họp của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 9/9, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh về những thiệt hại bất ngờ do thiên tai.
"Chúng ta đang đối mặt với tình huống mà không thể không thay đổi phương hướng sau khi xem xét toàn diện các nhiệm vụ đặt ra cuối năm nay vẫn đang được cả nước nỗ lực thực hiện", KCNA dẫn lời ông Kim Kim Jong-un phát biểu.
Thông điệp này được đưa ra đúng vào ngày kỷ niệm 72 năm thành lập chính quyền Bắc Triều Tiên (9/9/1948 - 9/9/2020) và trước thềm lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10.
Bão đổ bộ ngay trước khi Triều tIên tiến hành thu hoạch vụ mùa đầu tiên, do đó dự kiến ​​sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở nước này. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, khoảng 40% dân số Triều Tiên thiếu dinh dưỡng.
Ngay cả trước khi bão đổ bộ, quyết định đóng cửa biên giới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 1 do lo ngại dịch bệnh Covid-19 đã khiến các lĩnh vực thương mại hợp pháp ít ỏi của nước này thêm khó khăn. Theo Fitch Solutions, nền kinh tế Bắc Tiều đang trên đà suy giảm mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ.
Bloomberg nhận định, một nền kinh tế yếu hơn còn có thể tác động đến cục diện đàm phán hạt nhân giữa ủa Bình Nhưỡng và Washington, trong đó Triều Tiên ít lợi thế hơn để đạt được các nhượng bộ từ Mỹ nhằm đổi lấy việc thu hẹp chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.