3 ngày sau đàm phán đổ vỡ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến hồi đỉnh cao?

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc đã xói mòn mạnh mẽ sau khi đàm phán thương mại thất bại cuối tuần trước.

Thế bế tắc trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện nay, phát sinh từ những bế tắc trước đó về cách thức và thời điểm gỡ bỏ mức thuế hiện có của Mỹ khiến Bắc Kinh đe dọa bỏ cuộc đàm phán.

Lòng tin xói mòn

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã nỗ lực kể từ khi kết thúc các cuộc thảo luận hôm 10/5 để bình ổn thị trường, nhấn mạnh rằng họ có kế hoạch tiếp tục đàm phán với hy vọng tránh gây thiệt hại kinh tế diện rộng.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.

Nhưng đó chỉ là “chiếc mặt nạ” mà những người “trong cuộc” đưa ra. Sự thực là lòng tin xói mòn quá lớn giữa hai bên khiến triển vọng của bất kỳ thỏa thuận nào trong ngắn hạn là không thể. Giới chức Mỹ vẫn đang nỗ lực thuyết phục rằng phe cứng rắn trong chính trường Trung Quốc đang giành chiến thắng về các thảo luận cải cách ở Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây áp lực đàm phán, nói rằng nước Mỹ “đang ở đúng nơi mà chúng tôi muốn đến”. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ vì sự bế tắc và nhấn mạnh khả năng phục hồi kinh tế của Bắc Kinh. Tờ People's Daily đăng một bài bình luận trên trang nhất rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho đàm phán thất bại khi không giữ lời và áp đặt nhiều khoản thuế hơn.

Những diễn biến này đang gây bất ổn cho thị trường tài chính: Chứng khoán châu Á giảm cùng với đồng Nhân dân tệ và Trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Sự cố mới nhất đã thúc đẩy sự leo thang trong cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tới gần kịch bản tồi tệ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra, theo đó Quỹ này dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Mỹ tiếp tục "găng"

Trong hôm nay (13/5), dự kiến giới chức Mỹ ​​sẽ công bố chi tiết về kế hoạch áp thuế bổ sung 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc - khoảng 300 tỷ USD thương mại. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn đang thực hiện các biện pháp trả đũa của trước động thái vào tuần trước của ông Trump để áp dụng mức thuế trừng phạt 25% đối với hơn 5.700 sản phẩm trị giá khoảng 200 tỷ USD mỗi năm.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, hôm 12/5 cho biết hai bên chưa lên kế hoạch cho đàm phán mới, dù nêu ra khả năng nhà lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Kudlow đã nói giảm các tác động từ động thái tăng thuế của cả hai bên, đồng thời thừa nhận rằng các nhà kinh tế và doanh nghiệp đã đúng khi lăn tăn về khẳng định của Tổng thống Mỹ, rằng Trung Quốc đang phải trả giá cho thuế quan.

Ông Kudlow cũng thừa nhận rủi ro từ chiến tranh thương mại là Mỹ sẽ mất một số việc làm cũng như bị đe dọa về tăng trưởng, tuy nhiên sẽ "rất đáng" nếu cuộc chiến này thực sự điều chỉnh được những hành vi thương mại thiếu công bằng đã diễn ra nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc.

Động thái tăng thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc sẽ mất vài tháng, ông Kudlow nói. Nhưng đây là một phần trong nỗ lực khiến Trung Quốc chấm dứt hành vi tăn cắp tài sản trí tuệ và các hoạt động kinh tế khác thay vì một công cụ kinh tế dài hạn.

Trong khi chính quyền Trump duy trì quan điểm này trong nhiều tháng, cũng có một số dấu hiệu cho thấy chính sách này có khả năng có thể phản tác dụng.

Theo những nguồn thạo tin, khi Mỹ và Trung Quốc tiến hành một thỏa thuận mà hy vọng ban đầu là đạt được vào tuần trước, họ đã bị mắc kẹt trước vấn đề Mỹ dỡ bỏ thuế quan tương ứng được các bước của Trung Quốc đã thực hiện theo yêu cầu của Mỹ. Khi Mỹ khăng khăng duy trì các mức thuế, Trung Quốc tuyên bố kết thúc đàm phán.

Diễn biến này theo sau một động thái của Bắc Kinh hồi đầu tháng 5. Đó là xóa bỏ cam kết sẽ thay đổi luật pháp, thay vào đó chỉ đưa ra các chỉ thị của Hội đồng Nhà nước. Trong khi đó, Reuters dẫn 6 nguồn thạo tin cho biết, các luật này bao gồm Đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại; ép buộc công ty Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ; cạnh tranh không lành mạnh; hạn chế việc tiếp cận thị trường tài chánh Trung Quốc; và thao túng tiền tệ.

Tất cả những điểm trên đều từng được tổng thống Mỹ nhấn mạnh là đã đạt được khi đàm phán với Trung Quốc. Động thái này chính là nguyên nhân khiến ông Trump bất ngờ ra động thái tăng thuế từ 10% lên 25% đối 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Nguồn cơn của những diễn biến leo thang căng thẳng cho đến nay.

Tuần trước, cuộc đàm phán giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã tập trung vào cam kết thay đổi đó nhưng không mấy tiến triển, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần