3 nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội gần mức nguy hại

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng hợp báo cáo chỉ số AQI từ ngày 20/1 - 26/1 tại TP Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí giảm xuống rõ rệt so với tuần trước đó, chủ yếu ở mức kém và xấu. Minh Khai là khu vực có chất lượng không khí kém nhất trong tuần này.

Chỉ số chất lượng không khí tuần dao động trong khoảng 56 - 285.
Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu là chủ yếu. Số ngày AQI đạt mức trung bình tại các trạm Trung Yên 3 và Tây Mỗ đều chỉ chiếm 14,3%; các trạm Kim Liên, Tân Mai và Mỹ Đình là 28,6%; số ngày AQI chạm ngưỡng xấu tại các trạm Tân Mai, Mỹ Đình, Tây Mỗ đều chiếm 28,6%, Trung Yên 3 cao nhất với 57,1%, Kim Liên thấp nhất với 14,3%; còn lại ở mức kém.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt (0 - 50), các chuyên gia đánh giá không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình (51 - 100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài; mức kém (101 - 200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; mức xấu (201 - 300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Trong khi đó, 2 điểm quan trắc giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, trong tuần này, chất lượng không khí cả hai trạm đều giảm; đặc biệt tại khu vực trạm Minh Khai giảm mạnh, chất lượng không khí chủ yếu ở mức xấu. Cụ thể, tỉ lệ số ngày AQI ở mức kém lần lượt là 14,3% và 42,9%; AQI ở mức xấu lần lượt là 71,4% và 42,9%; còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 276 và 263.
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, có diễn biến tương tự các trạm khác, chất lượng không khí cũng chủ yếu ở mức kém và xấu. Cụ thể, số ngày AQI ở mức trung bình lần lượt là 28,6%, 14,3% và 14,2%; ở mức xấu lần lượt là 14,3%, 57,1% và 42,9%; còn lại ở mức kém. Cá biệt, ngày 25/1, chỉ số AQI tại trạm Hàng Đậu lên mức rất cao (285), gần múc nguy hại.
Có thể thấy, trong tuần này điều kiện thời tiết vẫn hanh khô và lạnh, nhiệt độ và độ ẩm thấp, ít nắng, sáng sớm có sương mù (đặc biệt ngày 25/1 xuất hiện nhiều sương mù), ít mưa và gió nhẹ, không có sự chuyển động rối trong lớp khí quyển sát đất, chính điều kiện khí tượng bất lợi đã khiến chất ô nhiễm không được khuếch tán lên cao mà tích lũy lại ở lớp khí gần mặt đất.
Một phần nữa do cuối tháng 1 cũng là vào dịp cuối năm nhu cầu đi lại nhiều nên lượng phương tiện tham gia giao thông có xu hướng tăng lên, tốc độ các phương tiện giao thông giảm, nhiều khu vực tắc đường trong thời gian dài, đồng thời các công trình xây dựng cũng gấp rút hoàn thiện, đã phần nào làm tăng nồng độ các chất có trong không khí, khiến chất lượng không khí giảm xuống rõ rệt. 3 nguyên nhân trên chỉ số AQI nhiều khu vực tại Hà Nội có ngày gần mức nguy hại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần