3 yếu tố để nâng chất lượng giáo viên

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi về việc nâng cao chất lượng giáo viên - vấn đề đang "nóng" trong dư luận thời gian này, PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, phải làm được 3 vấn đề: Tạo ra vị thế giáo viên, thay đổi chương trình sư phạm và tăng lương cho nhà giáo.

 PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh
Thưa PGS, trong 3 yếu tố ông đưa ra, vấn đề nào là quan trọng nhất?
- Điều thấy, trong khi chuẩn bị cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục, chúng ta làm được rất nhiều việc tuy tiến bộ còn chậm. Chẳng hạn, xây dựng được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đề ra nguyên lý dạy học, yêu cầu đối với học sinh, dạy học liên hệ với thực tế… Trong chương trình giáo dục mới đưa ra những khái niệm tích hợp, liên môn, trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm thực tế. Nhưng tôi muốn nói, cho dù chúng ta có vạch ra việc đổi mới hay đến bao nhiêu, nhưng thiếu giáo viên – lực lượng xung kích thì sẽ thất bại. Cũng giống như việc đầu tư mua máy bay, tên lửa hiện đại, nhưng không có người điều khiển sẽ không thể lên khỏi mặt đất. Cho nên, đổi mới giáo dục phải bắt nguồn từ khả năng giáo viên. Ấy thế mà khi chúng ta chuẩn bị cho công cuộc đổi mới lại không chú ý đến đội ngũ này.
PGS có ý kiến gì về các giải pháp nâng chất lượng đào tạo ngành sư phạm mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra?
- Mấy năm trở lại đây, điểm vào ngành sư phạm không còn cao như trước. Năm nay, tình hình đầu vào các ngành đào tạo giáo viên giảm thảm hại đến mức 15,5 điểm hệ đại học (ĐH) và 9 điểm cao đẳng (CĐ) chúng ta mới giật mình. Đây là vấn đề lớn, dư luận vô cùng bức xúc. Cách làm của Bộ GD&ĐT rách đâu vá đó, vá chằng vá đụp. Thấy học sinh đi học thêm nhiều bèn ra lệnh cấm dạy thêm. Làm sao chúng ta có thể nghe theo lời khuyên của ông Bộ trưởng là cứ bình tĩnh. Bình tĩnh thế nào khi lực lượng ấy không làm được đổi mới, đồng nghĩa học sinh của chúng ta vẫn mãi kém. Trước kỳ tuyển sinh, Bộ trưởng lại tuyên bố sẽ bỏ biên chế giáo viên, đánh vào tâm lý những học sinh muốn vào sư phạm, gây hoang mang cực độ, kể cả thầy giáo đang đứng lớp. Học xong, phải chạy hết bao nhiêu tiền mới xin được việc, giờ dạy vài năm bị chấm dứt hợp đồng thì phải làm sao?
May thay, vừa qua, Phó Thủ tướng nhận ra vấn đề và cho Bộ GD&ĐT trình bày. Các giải pháp Bộ GD&ĐT đưa ra phải được giải quyết một cách tổng thể và quyết liệt. Trước hết, phải tạo ra vị thế của giáo viên được mọi người yêu thích. Giống như người ta mong muốn được vào học ngành công an, quân đội có học bổng, mặc quân phục, tốt nghiệp ra trường được bố trí việc làm, có chân trong biên chế. Thời buổi bây giờ, nếu học ngành sư phạm ra trường được bố trí việc làm ổn định sẽ rất hấp dẫn học sinh, nhất là những em nhà nghèo học giỏi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sang năm sẽ có điểm đầu vào riêng cho ngành sư phạm, thưa PGS?
- Tôi đề nghị điểm đầu vào sư phạm phải 21 điểm 3 môn trở lên, thì việc đào tạo giáo viên mới có chất lượng. Chương trình của các trường sư phạm cũng phải thay đổi theo yêu cầu của đổi mới giáo dục, đi trước giáo dục phổ thông. Học sư phạm Toán chỉ ra dạy môn Toán, sư phạm Lý giảng môn Lý... đã không còn phù hợp. Vì chương trình giáo dục phổ thông mới có tích hợp liên môn, một quyển sách có 3 môn học. Nói là trước mắt 1 cuốn sách như thế có 3 giáo viên dạy, nhưng theo tôi, trường sư phạm cũng phải đào tạo kết hợp, giáo viên Toán - Tin, Hóa - Sinh, Sử - Địa, Ngoại ngữ - Công dân, để khi tốt nghiệp có thể dạy được ít nhất 2 môn.
Trong trường hợp trường sư phạm tuyển sinh lấy điểm cao, nhưng không đủ số lượng tổ chức lớp học, giáo viên sẽ ngồi chơi?
- Trường có thể ngừng đào tạo sinh viên mới nếu không đủ tổ chức lớp học. Lúc đó, các giảng viên sư phạm làm công việc dạy lại đội ngũ giáo viên phổ thông để đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tôi dùng từ “dạy lại” bởi những năm qua chúng ta bồi dưỡng giáo viên rất hình thức, có khi đến lớp rồi rủ nhau đi shopping. Bây giờ, các sở GD&ĐT, trường phổ thông cử một số giáo viên thay thế nhau tham gia chương trình dạy lại ở trường sư phạm một cách hẳn hoi. Kết thúc khóa học, giáo viên mang điểm kiểm tra về báo cáo sở GD&ĐT và tùy theo đó sẽ được xem xét bố trí dạy ở cấp học nào. Nếu điểm kiểm tra không đạt yêu cầu, họ bị cho ra khỏi ngành.
Nhưng các trường sư phạm đang được cấp ngân sách theo chỉ tiêu tuyển sinh?
- Bộ GD&ĐT nên chuyển việc cấp ngân sách sang hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ. Có như thế, các trường sư phạm và giáo viên mới yên tâm, tận tâm với công việc. Chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng 9 điểm học CĐ sư phạm và 15,5 điểm học ĐH ngành giáo viên.
Xin cảm ơn PGS!
Không có ngành nào biết được nhu cầu thị trường như ngành giáo dục. Câu chuyện thừa giáo viên dẫn đến rất nhiều hệ lụy, trong đó có việc học sinh không muốn vào sư phạm. Tôi chia sẻ chế độ đãi ngộ của giáo viên, giáo sinh ra trường xin được việc thì ngành sư phạm hấp dẫn hơn rất nhiều. Nếu mình nâng được chế độ lên như nguyện vọng của giáo viên thì ngành sư phạm sẽ càng hấp dẫn.
Phó Thủ tướng Chính phủ  Vũ Đức Đam