3 yếu tố vĩ mô tác động tới chứng khoán 2017

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Động cơ nào cho chứng khoán Việt Nam và thách thức nào giới đầu tư tài chính có thể đối mặt trong năm 2017?

Những phân tích từ cả chuyên gia kinh tế lẫn nhà điều hành chính sách tiền tệ trong cuộc hội thảo mới đây về đầu tư tài chính tại TP.HCM sẽ mang đến góc nhìn đa chiều hơn cho những ai đang và sẽ còn mối quan tâm lớn đến bức tranh chung của kinh tế nước nhà.

Có thách thức nhưng không ít cơ hội
Nếu như 2016 được cho là một năm với nhiều chỉ số đẹp trong cân đối vĩ mô thì thị trường chứng khoán là hàn thử biểu phản ánh tương đối rõ nét những điểm cơ bản nhất của bức tranh chung ấy. Trong đó, diễn biến của thị trường chứng khoán hiện nay được cho là tùy thuộc rất nhiều vào quan hệ với thị trường tiền tệ.
Nhiều ý kiến cho rằng chứng khoán Việt Nam sẽ sớm đạt mức đỉnh 10 năm trong thời gian tới.
Từ góc độ nhà đầu tư, tín dụng dường như là yếu tố được quan tâm trước tiên với các chủ định hướng dòng vốn dài hạn về các mũi nhọn ưu tiên như doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, nông nghiệp-nông thôn và nông nghiệp công nghệ cao. Những khu vực tín dụng có thể phát sinh rủi ro như tín dụng tập trung cao cho một nhóm khách hàng, tín dụng bất động sản cao cấp đều đang được lưu ý.
Một mối quan tâm không nhỏ khác của giới đầu tư chứng khoán là áp lực đối với tỷ giá Việt Nam đồng (VND). Có thể thấy, lực tác động lớn đến tỷ giá VND năm ngoái là những yếu tố từ bên ngoài, không xuất phát từ nội tại nền kinh tế Việt Nam. Cùng với việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016, thực tế đã chứng minh tỷ giá VND cả năm ngoái cũng chỉ tăng 1,2 - 1,5%, bất chấp các biến động lớn như Brexit hay sự trượt giá của đồng CNY.
Theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, điều quan trọng nhất với kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là giữ được sự ổn định của đồng nội tệ, tức giữ được lòng tin của công chúng và nhà đầu tư.
Tất nhiên, Việt Nam cũng có những e ngại về ảnh hưởng từ bên ngoài, trong đó có xu hướng dự trữ ngoại hối Trung Quốc bị giảm đi do dòng vốn ngoại rút ròng liên tục trong 2 năm qua (1.600 tỷ USD), khiến áp lực với đồng nhân dân tệ (CNY) tăng lên. Từ đó đẩy rủi ro trượt giá của VND lớn theo.
Tuy nhiên, cam kết của Chính phủ Việt Nam rất mạnh mẽ và đã trở thành mệnh lệnh bắt buộc, đặc biệt đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. “Lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường chứng khoán theo đó hứa hẹn cũng sẽ đa dạng và hấp dẫn hơn. Như vậy, Việt Nam không phải chỉ đối mặt với luồng tiền ra mà vẫn có quyền kỳ vọng ở dòng tiền vào”, vị đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Đáng chú ý, thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước còn cho hay cơ quan này đang khẩn trương rà soát các văn bản pháp quy để dần hình thành thị trường mua bán nợ xấu có thể có sự tham gia của yếu tố nước ngoài; tăng vốn điều lệ và mở rộng tầm “phủ sóng” cho Công ty xử lý nợ xấu (VAMC) để định chế này có thể mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang cùng các bộ ngành liên quan hoàn thành dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, dự kiến trình Quốc hội vào giữa năm nay.
Tiêu dùng dân cư đóng vai trò ngày càng lớn với GDP
Từ phía những nhà tư vấn chính sách kinh tế và giới quan sát quốc tế, Việt Nam vẫn có thể chèo lái con thuyền kinh tế năm 2017 cập bến bình an hơn mong đợi. Ngân hàng Standard Chartered nhận định GDP cả năm nay của Việt Nam hoàn toàn có thể tăng được 6,6% nếu ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, còn nông nghiệp quay lại mức tăng trên 2%.
Còn từ phía chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, giả sử nông nghiệp chưa lấy lại đà hồi phục và ngay cả khi GDP chỉ thêm được 6,2 - 6,3% so với 2016 thì đó cũng đã là mức tăng trưởng ấn tượng, với động lực chính cho tăng trưởng kinh tế hiện đang dần thay đổi, khi sức chi phối từ đầu tư và xuất khẩu lên GDP đang giảm đi. Thay vào đó, tiêu dùng từ dân cư đang có ảnh hưởng ngày càng lớn hơn.
Khoan nhìn vào các con số vĩ mô được tính toán bài bản về đóng góp của tiêu dùng cho GDP, sự dịch chuyển này đã có thể nhìn thấy ngay trên sàn giao dịch cổ phiếu. “Những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh, có biên lợi nhuận cao, hấp dẫn giới đầu tư chứng khoán lúc này đa phần là công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng trong nước, với đối tượng khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu. Và xu hướng này sẽ vẫn còn diễn ra trong trung hạn”, nhà kinh tế Nguyễn Xuân Thành dự báo.
Thông điệp từ các Hiệp định tự do thương mại
Những ai theo chủ nghĩa hoàn mỹ ắt hẳn sẽ rất thất vọng khi TPP đang gần như rơi vào bế tắc với sự rút lui của Hoa Kỳ và chính sách bảo hộ kinh tế trong nước của tân tổng thống Donald Trump.
Nhưng với các nhà kinh tế, những thị trường có độ mở cửa lớn và đa dạng được đầu ra xuất khẩu như Việt Nam thì “trong rủi vẫn có may”. Bởi chính thị trường xuất khẩu đa dạng có thể giúp Việt Nam hạn chế phần nào ảnh hưởng trước các quyết sách này.
Khái niệm mặt trận hội nhập tại Việt Nam không chỉ đề cập đến TPP, mà còn là hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác Việt Nam đã tham gia như: FTA với EU (EVFTA), FTA với Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Cộng đồng Kinh tế Asean… Và xa hơn nữa, các dự đoán cũng không loại trừ khả năng Việt Nam có thể xúc tiến một hiệp định thương mại song phương thế hệ mới với Hoa Kỳ.
Như vậy, thay vì có hiệp định kinh tế đa phương như TPP, Việt Nam vẫn còn có rất nhiều hiệp định song phương khác với các nền kinh tế lớn. Về ngắn hạn, đó là tin tốt, không chỉ cho thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, “nếu Việt Nam có thể nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thì đó sẽ là tín hiệu tốt hơn nữa, vốn nước ngoài chảy vào mạnh hơn, áp lực tỷ giá của Việt Nam sẽ giảm đi, ít nhất là trong ngắn hạn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần