32 hộ dân bị hư hỏng tài sản do Dự án xây dựng trạm bơm tiêu Yên Nghĩa: Bảo đảm quyền lợi cho người dân

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh việc chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án (DA) Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa gây thiệt hại, ảnh hưởng cho cuộc sống người dân phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

Qua phản ánh của người dân thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức, tháng 4/2018, chủ đầu tư là Ban Duy tu các công trình NN&PTNT (Sở NN&PTNT Hà Nội) cùng nhà thầu thi công DA Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thực hiện biện pháp đóng cừ bằng rung kết hợp với xói nước. Tuy nhiên, quá trình thi công đã gây hư hỏng tài sản, công trình nhà dân ở gần đó. Chủ đầu tư cùng nhà thầu, công ty bảo hiểm, chính quyền địa phương, đơn vị giám định độc lập và các hộ dân đã khảo sát, xác định hiện trạng của từng gia đình bị hư hỏng, thiệt hại tài sản, lên phương án hỗ trợ, bồi thường.
Ông Nguyễn Văn Hồng thôn Đồng Nhân bức xúc nhìn tài sản của nhà mình bị hư hỏng 

do dự án xây dựng Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa gây ra.

Theo biên bản thống kê xác định có 32 hộ dân thôn Đồng Nhân bị ảnh hưởng, hư hỏng tài sản chủ yếu là công trình nhà ở kiên cố, công trình phụ… gây thấm nước. Để đảm bảo khách quan, UBND xã Đông La cùng chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị giám định đã thống nhất phương án chi trả, hỗ trợ thiệt hại cho 32 hộ dân với gần 400 triệu đồng, trong đó nhà ít gần 1 triệu đồng, nhà nhiều lên đến 120 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hộ bà Nguyễn Thị Thuận do bị rạn, nứt nhà, tụt mái ngói, không có chỗ ở nên chủ đầu tư và UBND xã phải vận dụng bồi thường 120 triệu đồng ngay sau khi sự cố xảy ra để gia đình xây dựng công trình mới để ở. Hiện, còn 31 hộ chưa nhận tiền hỗ trợ và cho rằng các đơn vị cần phải kiểm tra, xác định lại mức độ bị thiệt hại.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông La Trịnh Đắc Chuyên cho biết: Quá trình triển khai DA Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, khi thi công đóng cừ bờ kênh đã gây rung chấn, rạn nứt công trình của các hộ dân. Sau khi kiểm tra xác định nguyên nhân, UBND xã đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan và người dân thống nhất kê khai tài sản bị thiệt hại để chi trả, hỗ trợ giúp các gia đình ổn định cuộc sống. Qua đó, tháng 1/2019, các đơn vị đã thống nhất và trước mắt chi trả cho hộ bà Thuận. Hiện nay, còn 31 hộ chưa nhận tiền và đề nghị thẩm định lại giá trị tài sản bị hư hỏng để thống nhất mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế thiệt hại do quá trình thi công DA gây ra.
Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình NN&PTNT (Sở NN&PTNT Hà Nội) Phùng Xuân Dụng chia sẻ, xác định khi thực hiện DA sẽ gây ảnh hưởng cho các hộ dân nên ngay từ đầu Ban đã cùng các đơn vị tiến hành khảo sát, chụp ảnh hiện trường nhà các hộ dân làm căn cứ giải quyết về sau. Vào thời điểm đầu năm 2018, quá trình đóng cọc cừ bờ kênh đã gây rung chấn ảnh hưởng đến công trình của các hộ dân. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các đơn vị đã phối hợp thống nhất mức độ thiệt hại để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo quy định. “Nhưng người dân đang đề nghị các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá lại mức độ thiệt hại để đưa ra phương án hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi. Do vậy, các đơn vị sẽ tiếp tục thống nhất đưa ra phương án giải quyết cuối cùng, không để người dân bị thiệt thòi” - ông Dụng nói.