39 trường nghề tham gia Hội giảng giáo dục nghề nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hội giảng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là dịp để các cơ cở giáo dục nghề nghiệp đánh giá chất lượng giảng dạy một cách khách quan của đội ngũ nhà giáo tại mỗi trường”, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thanh Nhàn nhận định.

Sáng 23/10, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã khai mạc Hội giảng nhà giáo GDNN TP Hà Nội năm 2017. Tham gia Hội giảng có 131 giáo viên tiêu biểu, suất sắc đại diện cho đội ngũ nhà giáo đến từ 39 trường dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội. Hội giảng diễn ra từ ngày 23 đến hết 26/10/2017.

Phó Tổng cục trưởng Cao Văn Sâm trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Hội giảng.
Phát biểu khai mạc hội giảng, Trưởng ban tổ chức Nguyễn Thanh Nhàn thông tin: Năm 2015 và 2016, công tác GDNN của Hà Nội đạt được nhiều thành tích. Hàng năm có khoảng 150.000 lượt người được đào tạo ngành, nghề. Tại các kỳ thi, hội thi cũng luôn đạt kết quả cao: giải Nhất toàn Đoàn tại Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015, giải Nhất toàn đoàn tại Kỳ thi tay nghề toàn quốc năm 2016, giải Nhất toàn đoàn Hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm 2016.
“Có được kết quả này, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của học sinh, sinh viên là những đầu tư có chiều sâu của đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở dạy nghề. Các giáo viên đã luôn tâm huyết, trách nhiệm, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có nhiều người trưởng thành từ Hội giảng các cấp”, bà Nhàn khẳng định.
Trong những năm gần đây, GDNN gặp khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo thì Hội giảng nhà giáo GDNN là hoạt động chuyên môn quan trọng và bổ ích. Đây còn là hình thức bồi dưỡng đối với toàn thể nhà giáo dạy nghề. Cũng như, tạo điều kiện cho các thầy cô được thể hiện năng lực chuyên môn và kỹ năng truyền đạt. Và cũng là cơ hội để đội ngũ nhà giáo học hỏi, rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.
“Hội giảng là dịp để các cơ cở GDNN đánh giá chất lượng giảng dạy một cách khách quan, qua đó sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhà giáo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của GDNN”, bà Nhàn nhấn mạnh.
Tin tưởng vào sự thành công của Hội giảng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Cao Văn Sâm mong muốn: Sau Hội giảng, Sở LĐTB&XH Hà Nội cùng Ban tổ chức biên tập toàn bộ các bài giảng của thầy cô đạt giải để trở thành sản phẩm mẫu áp dụng trong từng trường và toàn ngành.
Và, chúng ta không chỉ sử dụng với phương pháp giảng dạy truyền thống mà còn tiếp cận theo hướng hiện đại để thực hiện thành công chiến lược phát triển nhân lực của TP Hà Nội, quốc gia. Qua đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN cũng như thị trường nhân lực trong và ngoài nước. Nhất là, đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ chúng ta đã và đang thực hiện và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.