4 định hướng công nghệ số để khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/5, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam”.

Hội nghị Khoa học VPI thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ các công ty dầu khí lớn trên thế giới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trình bày kết hợp với tọa đàm, thể hiện góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề: Thực trạng, cơ hội và thách thức, xu thế phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngành Dầu khí Việt Nam. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn của VPI: Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp; Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao; và quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động.
Qua đó, các chuyên gia tìm kiếm và đề xuất các giải pháp cụ thể về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý cho PVN. TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất đã thay thế cơ bắp con người bằng động cơ hơi nước, còn cuộc cách mạng thứ tư đang thay thế bộ não con người bằng trí tuệ nhân tạo. Do đó, việc áp dụng công nghệ số chắc chắn sẽ giúp PVN có năng lực cạnh tranh bền vững trong tương lai.

“Với cơ sở dữ liệu lớn về toàn bộ các hoạt động dầu khí tại Việt Nam, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, có kỹ năng tốt và cơ sở hạ tầng hiện đại, VPI sẽ giúp PVN thực hiện thành công việc chuyển đổi áp dụng công nghệ số. Đó là xây dựng quy trình ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu và thiết lập hệ thống thu thập và xử lý số lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực hiện”, vị này nói.

Đồng thời nhấn mạnh, thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, VPI đã, đang và sẽ tích cực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ theo 4 định hướng: Thăm dò dầu khí hiệu quả trong bối cảnh giá dầu thấp; Đẩy mạnh ứng dụng tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; Xử lý và chế biến khí giàu CO2 ở Việt Nam; Quản lý rủi ro trong bối cảnh ngành dầu khí nhiều biến động. Những định hướng nghiên cứu và phát triển dài hạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho PVN mà còn cho ngành Dầu khí trong việc tối đa hóa giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam.