4 lý do nhân viên mới hoang mang trong ngày đầu làm việc

Ngân Linh - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất kỳ nhân viên nào khi bước chân vào một môi trường công sở mới sẽ phải đối mặt mới một vài thách thức, từ việc làm quen với các đồng nghiệp, thích ứng với văn hóa công ty cũng như “vào guồng" thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả. Thế nhưng, là một nhà quản lý, bạn có biết trong ngày đầu làm việc, có một số yếu tố tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhân viên mới?

Dưới đây là 4 tình huống rất phổ biến thường xảy đối với nhân viên mới khiến họ trở nên hoang mang và lạc lõng trong ngày đầu làm việc. Hãy cùng điểm qua để có biện pháp khắc phục nhằm hỗ trợ nhân viên tốt hơn nhé.
Cập nhật thông tin việc làm nhanh nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
Không hề có màn giới thiệu công ty
Tại các công ty, tập đoàn lớn, việc giới thiệu công ty và các phòng ban cho nhân viên mới được thực hiện khá bài bản. Thế nhưng ở các công ty nhỏ hoặc các startup, việc này nhiều khi bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Thay vào đó chỉ là một màn chào hỏi chiếu lệ, khi nhân viên mới đứng lên giới thiệu bản thân mình cho cả văn phòng nhưng lại không hề biết văn phòng gồm có những ai, các phòng ban nào làm nhiệm vụ gì. Điều này khiến họ cảm thấy không được chào đón một cách chuyên nghiệp và chân thành.
Nếu bạn quá bận rộn hoặc phòng nhân sự không đứng ra thực hiện việc này, bạn hãy cố gắng sắp xếp ai đó giúp nhân viên mới biết thêm về công ty và giới thiệu đầy đủ người phụ trách các bộ phận ngay trong ngày đầu làm việc. Có thể chọn thời điểm trước hoặc sau giờ nghỉ trưa, khi tâm lý mọi người đều đang thoải mái. Nhưng trên hết, một lời hẹn: “Lát nữa anh/chị sẽ dẫn em đi một vòng công ty và giới thiệu với mọi người" sẽ làm yên lòng, khích lệ người mới đến hơn rất nhiều.
Cấp trên “mất tích"
Nếu không thể có mặt trong ngày đầu tiên nhân viên mới nhận việc, bạn - với tư cách là cấp trên trực tiếp, hãy cố gắng thông báo với họ và sắp xếp một người thay thế bạn để đón tiếp họ. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, việc này sẽ giúp nhân viên mới của bạn cảm thấy được tôn trọng hơn rất nhiều. Dù đây là một hành động rất đơn giản, nhưng không ít nhà quản lý hoàn toàn bỏ qua, thậm chí không nắm được nhân viên mới sẽ tới vào ngày nào, mặc dù họ chính là người mà nhân viên mới muốn được gặp nhất trong ngày đầu đi làm. Nếu nhân viên mới đến nhận việc nhưng lại không hề thấy cấp trên của họ xuất hiện, thậm chí trong nhiều ngày, mà không hề có một lời nhắn gửi hay phó thác thì chắc chắn họ phải đi làm trong trạng thái bị động, “vật vờ” và không biết bắt đầu từ đâu trong suốt quãng thời gian này. Đây là một điều rất tiêu cực với tâm lý của họ.
Những cuộc họp khó hiểu ngay ngày đầu đi làm
Không ít nhân viên cho rằng họ cảm thấy rất hoang mang khi ngay lập tức bị “lôi” vào một cuộc họp nào đó mà họ chưa hề được thông báo trước và chuẩn bị tâm lý. Có thể nhà quản lý cho rằng đây là cơ hội để nhân viên được tiếp xúc với công việc nhưng khi đó họ hoàn toàn chưa nắm được gì nhiều về nội dung cụ thể các công việc đang diễn ra, tình hình các dự án đang triển khai cũng như cơ cấu hoạt động của công ty, thế nên tham gia vào các cuộc họp này chỉ khiến họ cảm thấy “vô dụng” và rất không thoải mái.
“Khắc khoải" đợi chờ được giao việc
Dù rằng “kỹ năng làm việc độc lập" là một yếu tố quan trọng bạn yêu cầu ở nhân viên mình, nhưng thực tế, để đạt được điều này ở công sở mới, các ứng viên cần ít nhất 1 đến 2 tuần để có thể “tự giao việc cho mình”. Thế nhưng, phần lớn các nhà lãnh đạo khi không có thời gian giao việc cho nhân viên mới, họ cho rằng nhân viên mới sẽ cần phải tự sống sót và tìm ra thứ mình có thể làm. Việc này là có thể, nhưng nó đem lại nhiều tác hại. Nhân viên mới khi không được định hướng công việc, họ sẽ làm việc một cách tự phát, với hiệu suất không cao, và tâm trạng hoàn toàn bối rối. Chính vì vậy, dành một chút thời gian trong ngày đầu để định hướng, giao một vài nhiệm vụ cơ bản và hỗ trợ nhân viên mới khi cần thiết là điều mà các nhà quản lý rất nên làm.
Giữ người là một bài toán “dễ mà không dễ" đối với các doanh nghiệp. Để nhân viên mới có được tinh thần và sự tốt nhất, thì thái độ và văn hóa doanh nghiệp, sự khích lệ và quan tâm của cấp quản lý cùng với việc tạo cơ hội để họ được đóng góp cho tổ chức sẽ là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần