40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Trên ranh giới khốc liệt giữa chiến tranh và hòa bình

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã đi qua 40 năm. Dù sống, chiến đấu trong sự ác liệt, đầy gian khổ, nhưng những người chiến sỹ nơi biên cương vẫn luôn giữ vững tinh thần quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và luôn có niềm tin vào hòa bình.

 Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh quận Long Biên Nguyễn Văn Lực 
Lạc quan nơi “cửa tử”
Cuộc tấn công của 600.000 quân Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam bắt đầu từ ngày 17/2/1979 và được tuyên bố kết thúc vào ngày 16/3/1979. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến kéo dài đến năm 1989. Tức là mười năm sau đó, quân Trung Quốc vẫn chiếm đóng tại một số điểm ở các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, liên tục tạo xung đột để làm cho tình hình căng thẳng kéo dài, buộc Việt Nam (đang cùng quân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt) phải rút quân khỏi Campuchia.
Đối với Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh quận Long Biên Nguyễn Văn Lực (sinh năm 1954, người Hà Nội), những ký ức về cuộc chiến nơi biên cương phía Bắc vẫn như in. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng ấy, ông Nguyễn Văn Lực kể, ông đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị khốc liệt năm 1972. Năm 1987, ông Lực là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 312. Thuộc lực lượng “tuyến ngoài”, Tiểu đoàn của ông đảm nhiệm tuyến thông tin liên lạc từ Sở chỉ huy tại cao điểm 812 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang) đến Trung đoàn 141 và Trung đoàn 165 ở sát khu vực địch.
Ngã ba Thanh Thủy lúc bấy giờ được gọi là “ngã ba cửa tử” bởi địa hình trống trải, nơi con đường rộng thênh thang chạy thẳng từ thị xã Hà Giang lên cửa khẩu, chỉ có một lối rẽ vào xã. Không những thế, pháo địch bắn xối xả ngày đêm vào ngã ba này nhằm ngăn chặn lực lượng của ta. Nhắc đến nơi này, bộ đội ta không ai không cảm thấy nặng nề và căng thẳng. “Nhận thấy điều đó, lãnh đạo của Sư đoàn 312 đã quyết định đổi tên từ “ngã ba cửa tử” thành “ngã ba chiến thắng”. Từ đó, khí thế chiến đấu khác hẳn. Bộ đội ta tự tin, phấn khởi hơn. Việc tiếp tế cho tuyến trong cũng trở nên thuận lợi” – ông Lực nhớ lại.
Nói về sự lạc quan của quân ta, ông Lực thêm rằng: Khi ấy, hằng đêm, bộ đội tuyến ngoài vác những thanh bê tông dài 2 mét, mỗi thanh nặng khoảng 40-50 kilôgam vào tuyến trong để đào hầm tạo tuyến phòng thủ. Gian khổ thế, vậy mà anh em vẫn nói vui với nhau rằng “tối nay lại đi vác “thanh kẹo lạc” thôi”. Bỗng dưng khi ấy, bao nhiêu mệt mỏi như được giảm đi nhiều phần. 
Khát khao hòa bình 
Cũng thuộc Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 312, ông Nguyễn Sỹ Giang (sinh năm 1958) tham gia cuộc chiến từ năm 1979, rồi quay trở lại chiến trường vào tháng 7/1987 với cương vị là Đại đội trưởng Đại đội thông tin. Hình ảnh những vùng đất, ngôi làng vùng biên giới bị san phẳng bởi pháo, xe tăng, xe bọc thép vẫn hiện lên trong tâm trí của ông. Tương quan lực lượng hai bên quá chênh lệch, nên bộ đội của ta chủ yếu ngăn chặn, chống trả mưu đồ xâm lược của Trung Quốc. Các tỉnh biên giới phía Bắc vốn là hậu phương trước đây, thành tiền tuyến của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Nói về tinh thần chiến đấu quyết tâm của chiến sỹ cách mạng, ông Giang khẳng định: Chẳng ai muốn chiến tranh xảy ra, nhưng những người chiến sỹ khi ấy không biết sợ. Có những người vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, vậy mà khi nghe lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, họ lại viết huyết thư để xin lên biên giới chiến đấu. Vì thế không có chuyện đào ngũ, bộ đội ta lúc nào cũng cười tươi và luôn có niềm tin chiến thắng.
 
Trách nhiệm với Tổ quốc là thế, nhưng đằng sau những người lính ấy còn là gia đình của họ. Gia đình ông Giang có 7 người, trong đó anh cả của ông đã hy sinh năm 1969 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì thế, gia đình không giấu khỏi nỗi lo lắng khi ông Giang tiếp tục ở chiến trường Vị Xuyên đến năm 1988. Bởi vậy, những ai có người thân tham chiến là những người khát khao hòa bình nhất.
Ranh giới giữa khốc liệt của chiến tranh và hòa bình đôi khi rất gần. Vào cuối năm 1987, có một thỏa thuận “ngầm” giữa những người giáp mặt nhau nơi chiến trường. Tại buổi “họp chợ” được tổ chức hàng ngày, người phía ta và phía Trung Quốc đã gặp nhau để trao đổi và “ném thuốc” cho nhau. Có thể thấy rõ tinh thần “trì hoãn” chiến tranh của hai bên. Khi ấy, có lẽ lính phía bên kia cũng đã nhận thấy sự phi lý của cuộc chiến này. “Điều đó cũng khẳng định bộ đội ta làm công tác “địch vận” rất khéo léo” – ông Nguyễn Văn Lực chia sẻ.
Chiến tranh ở lại phía sau
Chiến tranh qua đi, ông Lực hay ông Giang là những người may mắn được trở về. Một số người trong đó đã trở thành tướng lĩnh trong quân đội hay lãnh đạo địa phương như ông Lê Tiến Nhật, Bí thư Quận ủy Đống Đa (Hà Nội) hiện nay. Một số khác làm ăn kinh doanh, sản xuất giỏi, gia đình êm ấm, hạnh phúc và ổn định. Phải kể đến các nữ bộ đội ở Tiểu đoàn 18, trong đó có bà Ngô Thị Hương với biệt danh khi ấy là “Hương đầu gấu”, giờ đây phát đạt trong buôn bán kinh doanh tư nhân. Bà Nguyễn Thị Mai lúc bấy giờ là y tá, sau này trở thành bác sĩ khu lâm trường Phúc Thuận (Thái Nguyên)….
Phải đến năm 2004, một số anh em ở Tiểu đoàn 18 năm xưa mới có điều kiện để đi tìm nhau. Mãi đến tháng 7/2018 vừa qua, họ mới có thể tổ chức một chuyến đi về thăm lại chiến trường xưa, cùng nhau thắp nén hương tưởng niệm những đồng đội đã ngã xuống. 40 năm qua đi nhưng vết pháo bắn sạt hầm hay sụt các bậc lên xuống… hay những chiến tích thời ấy vẫn còn nguyên. Trước đó, tháng 10/2017, ông Giang cũng đã tham dự một cuộc gặp mặt đồng hương Quế Võ, Bắc Ninh cùng nhập ngũ, tham gia chiến trường năm 1979. Người này kết nối với người kia, buổi gặp mặt ấy có sự tham dự của hơn 100 người. Họ cùng nhau ôn lại những tháng ngày không thể nào quên, tiếp tục tìm đồng đội, cũng như động viên nhau làm kinh tế, ổn định cuộc sống…
Vượt qua những nỗi buồn của cuộc chiến, tinh thần của những con người ấy trước đây cũng như bây giờ là luôn luôn lạc quan và hướng đến những điều tốt đẹp. Họ nhớ như in thời chiến nhưng cũng biết trân trọng thời bình.