40 năm Việt Nam gia nhập LHQ: Dấu ấn hợp tác đa phương

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/9/1977, Lễ thượng cờ Việt Nam tại Trụ sở Liên Hợp quốc (LHQ) đã đánh dấu sự công nhận của cộng đồng quốc tế với một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, mở ra thời kỳ hội nhập quốc tế.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Ngô Quang Xuân - nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ giai đoạn 1993 - 1999 để hiểu rõ hơn về quá trình khẳng định vị thế của Việt Nam trong 40 năm qua.
Đại sứ Ngô Quang Xuân - nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ giai đoạn 1993 - 1999  
Thưa đại sứ Ngô Quang Xuân, kể thời điểm gia nhập LHQ 40 năm trước, vị thế của Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào?
- Chúng ta thấy rằng vị thế của Việt Nam qua từng giai đoạn đã có sự thay đổi và không ngừng phát triển. Ngay từ khi chúng ta gia nhập năm 1977, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh, có nhu cầu hội nhập rất lớn nhằm khôi phục hậu quả chiến tranh.
Sau khi chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới vào giữa năm 1995, diện mạo của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, chúng ta bắt đầu hội nhập một cách mạnh mẽ vào giữa những năm 1990. Chúng ta đã tự chủ, độc lập và tham gia vào LHQ với tư cách không chỉ là quốc gia nhận hỗ trợ mà bắt đầu có những đóng góp từ giai đoạn này như tham gia những cơ chế lãnh đạo của LHQ. Bằng cuộc đấu tranh vì độc lập, tiến bộ xã hội, Việt Nam dần có được niềm tin và lần lượt đảm nhiệm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhiệm kỳ năm 1997, Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009... nổi lên như một quốc gia có trách nhiệm, một thành viên LHQ đáng tin cậy.
 
Theo đại sứ, điều gì đã giúp Việt Nam được bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao?
- Trước hết, Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là một đất nước vượt qua khó khăn, hy sinh, mất mát giành được độc lập và giải phóng dân tộc, đóng góp cho nền hòa bình và phát triển nói chung. Thứ hai, cam kết chính trị của Việt Nam rất cao, từ lãnh đạo đến người dân đều thể hiện cam kết rất nghiêm túc trong hợp tác với LHQ, tạo được niềm tin với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, khi bắt đầu tham gia các cơ chế lãnh đạo, Việt Nam đã đóng góp nghiêm túc vào hòa bình, tiến bộ chung của nhân loại. 
Sau 40 năm gia nhập LHQ, Việt Nam đang thể hiện vai trò ngày càng tích cực trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt là các cơ chế của LHQ. Ông đánh giá thế nào về thành tựu này?
- Thành tựu này có được là một quá trình phát triển theo thời gian. Khi bắt đầu gia nhập LHQ, chúng ta đang trong quá trình khôi phục sau chiến tranh, phải nỗ lực xây dựng hình ảnh và niềm tin trong con mắt của bạn bè thế giới. Tôi còn nhớ rõ vào tại phiên họp Đại Hội đồng LHQ khóa 52 ngày 30/10/1997, khi Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ tuyên bố, Việt Nam trúng phiếu cao nhất trong vòng đầu, nước mắt của chúng tôi trào ra, xúc động vô cùng. Đây chính là biểu hiện cho thấy niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với mình nâng lên rõ rệt. Sau đó, chúng ta được các nước châu Á ủng hộ, lần đầu đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ.
Trong suốt thời kỳ chúng ta làm thành viên không Thường trực Hội đồng Bảo an - cơ quan có nhiệm vụ thực hiện mục tiêu duy trì hòa bình an ninh quốc tế, bằng thực tiễn của mình, Việt Nam không bao giờ vi phạm các quy định của LHQ. Với các vấn đề nóng trên quốc tế, chúng ta luôn có tiếng nói khách quan. Về kinh tế, kinh nghiệm trong thành tựu trong xóa đói giảm nghèo là đóng góp quý báu cho các nước thành viên.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần