4.0 và cơ hội của Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - CMCN 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam, là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc nên chúng ta không thể bỏ lỡ.

Các đại biểu tìm hiểu về phần mềm quản lý giao thông bên lề Hội nghị thượng đỉnh về chính quyền đô thị diễn ra ở Hà Nội tháng 9/2018. Ảnh: Chiến Công
Việt Nam sẵn sàng đón nhận CMCN 4.0

CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Việt Nam xuất phát sau, nhưng có cơ hội, điều kiện rất lớn để thực hiện cách mạng. Có một thuận lợi rất lớn để Việt Nam có thể thích ứng nhanh với CMCN 4.0 là có đến 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến hết năm 2017, hơn 64 triệu người sử dụng internet, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á. Năm 2017, Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, 16%. Cũng trong năm qua, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 toàn cầu. Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc. Đó là kết quả của sự đầu tư lớn vào internet, vào hạ tầng công nghệ của các tập đoàn tên tuổi Viettel, FPT, VNPT, Vingroup…
Năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G. Theo tư lệnh ngành TT&TT, mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. “Đây là cơ hội để viễn thông Việt Nam thay đổi thứ hạng trong các bảng xếp hạng trên thế giới và là cơ hội để phát triển ngành ICT Việt Nam. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Nếu chúng ta chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì dứt khoát phải là đi đầu được ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” .

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Việt Nam đã bước đầu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng CMCN 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy. Thực tế, Việt Nam cũng đã có những tiến bộ trong việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư. Các bác sĩ đã làm khá thành thạo các ca phẫu thuật ghép thận, ghép tạng.
Về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất nhanh. Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) - một trong những đặc trưng chủ yếu của CMCN 4.0, chúng ta cũng đã có những sản phẩm AI “Made in Vietnam”, chẳng hạn như “Hệ thống săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với khoảng 3.000 DN khởi nghiệp.
Các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta là rất quan trọng trong thời kỳ mới phát triển đất nước. Theo đó, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Việt Nam đã có các chính sách phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, liên quan nhiều đến CMCN 4.0. Theo đó, các Đề án “Thanh toán không dùng tiền mặt” của NHNN; “Số hóa” của Bộ TT&TT; “Đổi mới công nghệ” của Bộ KH&CN… và các chỉ thị của các cấp cao hơn.
Ngay tại Diễn đàn cấp cao Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) và triển lãm quốc tế về công nghệ thông minh 4.0 ở Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, CMCN 4.0 đã vào Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến và đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo”.
Nền tảng cho DN Việt hội nhập kinh tế số
Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại các Diễn đàn Kinh tế cũng đặt ra vấn đề, thách thức theo các giai đoạn khác nhau. Theo giới phân tích, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghệ gốc, công nghệ nguồn, nhân lực chất lượng cao; chính sách và hạ tầng kỹ thuật số; quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia…
CMCN 4.0 có thể tạo ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động trong bối cảnh lực lượng lao động lớn; lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ mất dần. Những lao động thủ công trong các ngành dệt, may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng lần này. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh lao động Việt Nam đang trong tình trạng trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, năng suất lao động thấp, tay nghề và các kỹ năng mềm khác còn yếu...
CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP từ 7 - 16%/năm đến năm 2030, tùy theo từng kịch bản (cao, trung bình, thấp).

Báo cáo của 

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư
Giám đốc điều hành Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) Vũ Ngọc Anh đặc biệt lưu ý cần có cách tiếp cận về 4.0 gần gũi, thiết thực cho DN vừa và nhỏ. Chuyên gia này lấy ví dụ một công ty ở Đài Trung là Hiwi, vốn chỉ là công ty cơ khí song đã đầu tư chế tạo thành công các cánh tay robot ứng dụng trong y khoa như sản xuất vaccine, dược, phẫu thuật.
Giám đốc AVSE Global cho rằng, đầu tư và ứng dụng công nghệ sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định thành công trong cuộc CM 4.0. Tuy nhiên, trong làn sóng robot hóa, DN còn phải hiểu và nhận thức thế mạnh riêng để có quyết định đúng đắn nhất. “Trong cuộc CMCN 4.0, Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước vào các lĩnh vực công nghệ mới. Đây sẽ là cơ hội để các DN tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ mới…” - ông Vũ Ngọc Anh nhận định.