Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

45 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ

Khải Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bay vào Hà Nội chỉ như cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông, ở độ cao 10.000m, đối phương không thể với tới, các bạn chỉ cần ấn nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ”. Những phi công Mỹ đã được khích lệ như vậy khi điều khiển pháo đài bay B52 vào ném bom với ý định “biến Hà Nội trở về thời đồ đá”.

Tuy nhiên, 12 đêm trên bầu trời Thủ đô cuối tháng 12/1972 thực sự là những giờ phút kinh hoàng với chúng bởi ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất cùng nghệ thuật quân sự tài tình của quân và dân ta.

“Tử địa” của Pháo đài bay B52

Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, tuy nhiên Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu (nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân) còn tinh anh lắm, giọng vẫn sang sảng như ngày nào khi ông tham gia chỉ huy chiến dịch 12 ngày đêm oanh liệt. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu kể: Tối 18/12/1972, tôi về đến Sở chỉ huy lúc đó sơ tán ở chùa Trầm, huyện Chương Mỹ khoảng 19 giờ 45 phút. Mặc dù không phải phiên trực nhưng Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương đều có mặt cùng Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích trực chỉ huy.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt.
Lúc này đã có hai tốp B-52 đánh phá Hà Nội, Tiểu đoàn 78 của Trung đoàn 257 và Trung đoàn 261 bắn hết 16 quả tên lửa nhưng chưa có chiếc B-52 nào rơi tại chỗ. Đã xuất hiện tư tưởng băn khoăn, lo lắng, thiếu tự tin ở cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hội ý và tiếp tục nhắc các đơn vị bình tĩnh, tiếp tục mở máy phát sóng bắn B-52 như tập huấn trước đó. Quả nhiên sau đó hiệu suất chiến đấu của các đơn vị cao hơn. 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59 của Trung đoàn 261 bắn rơi một chiếc B-52G rơi xuống cánh đồng làng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh. 4 giờ 39 phút sáng 19/12, Tiểu đoàn 77 thuộc Trung đoàn 257 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy hạ một B-52 rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

“Nhận được tin Tiểu đoàn Tên lửa 59 bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên ở Phù Lỗ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp yêu cầu Tư lệnh và Chính ủy Đoàn Phòng không Hà Nội kiểm tra lại thật kỹ lưỡng. Sau khi nghe báo cáo chính xác, Đại tướng quay sang thông báo tin vui cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đang có mặt ở sở chỉ huy của Bộ. Rồi qua “đường dây nóng”, Đại tướng đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phòng không Hà Nội, đặc biệt là bộ đội tên lửa đánh giỏi, lập công đầu xuất sắc”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu kể.

Còn với Trung tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Phiệt, những khoảnh khắc khi tiêu diệt được B-52 thật đặc biệt. Ông nhớ lại: Sau ba ngày bị đánh phá, việc vận chuyển đạn bị ùn tắc, đặc biệt đường giao thông vào Hà Nội phải qua hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống càng thêm khó khăn. Mặc dù đã lập bến phà, cầu phao song vẫn gây ra ùn tắc. Vì thế mà trong đợt đánh phá lần này có đơn vị không tiếp tục chiến đấu liên tục được do đạn chưa chở đến kịp, hoặc số đạn chỉ còn ở dưới mức quy định tối thiểu.

Tuy nhiên, các chiến sĩ đều động viên nhau: Có thế nào ta đánh thế ấy, đã đánh là phải thắng. Trường hợp Tiểu đoàn 57 đứng chân ở trận địa Đại Đồng là một ví dụ. Đứng trước tình thế chỉ còn hai quả đạn trên bệ phóng, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt khi ấy là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 đã hô vang: “Hồi kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta có câu: “Một viên đạn là một quân thù”. Bây giờ ta cũng thực hiện câu nói đó: Một quả đạn là một B-52”.

Đúng 5 giờ 9 phút, Tiểu đoàn 57 thực hiện ngay khẩu hiệu của mình đề ra, bắt được mục tiêu, phóng một quả vào tốp 318. Tiếp theo tiểu đoàn 77 còn lại hai quả đạn, cũng phóng một quả vào tốp 318. Hai chiếc B-52 bị hạ gục.

Những bài học còn nguyên giá trị

45 năm đã qua, nhưng những kinh nghiệm về trận quyết chiến chiến lược đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị. Tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không” do Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức mới đây, Trung tướng, Anh hùng LLVT Trần Hanh nhấn mạnh, chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” là thực tiễn sinh động thể hiện tư duy, khả năng nhận định, đánh giá tình hình của Đảng, Bác Hồ. Ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng B-52, tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ, mà đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả về “tinh thần và lực lượng”, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao..

Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là đòn “nốc ao” đối với chính quyền của Tổng thống Ních-xơn. Chiến thắng này có ý nghĩa quyết định làm phá sản ý đồ xoay chuyển tình thế chiến lược của Mỹ trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri, là một đòn quyết định buộc đế quốc Mỹ phải rút toàn bộ quân đội về nước.

Phân tích thêm về nguyên nhân làm nên chiến thắng lẫy lừng này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Thành ủy Hà Nội đã tập trung cao độ, thực sự chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đối với Thủ đô Hà Nội. Từ đó, đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp phù hợp để chủ động chuẩn bị chống địch tập kích đường không có hiệu quả cao.

Là địa bàn chiến lược quan trọng, là mục tiêu đánh phá chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh, TP trong cả nước, đặc biệt là các địa phương lân cận với Thủ đô, như: Hà Tây, Hòa Bình, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hải Hưng và Nam Hà. Trong mối quan hệ chặt chẽ đó, đồng bào các dân tộc của tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã thực hiện tốt vai trò vừa phòng tuyến quan trọng, là áo giáp chở che, vừa là hậu phương vững mạnh cho quân dân Thủ đô chiến đấu và đùm bọc, giúp đỡ người dân sơ tán. Đó là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần mạnh mẽ để khích lệ quân dân Hà Nội dũng cảm, kiên cường chiến đấu, đánh thắng đợt tập kích đường không của đế quốc Mỹ.