45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": "Đêm B-52" trong ký ức người Khâm Thiên

Theo Đại Đoàn Kết
Chia sẻ Zalo

Đã 45 năm trôi qua, song ký ức của người dân Hà Nội và cả nước vẫn không thể quên những ngày cuối tháng 12, khi B-52 Mỹ rải thảm Hà Nội. Đã bao người ngã xuống trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bao ngôi nhà phố Khâm Thiên bị bom quét sạch. Từ đống đổ nát, người dân Khâm Thiên đã vươn mình đứng dậy vượt lên đau thương, mất mát.

Nhớ lại và suy nghĩ

Chúng tôi về Khâm Thiên vào những ngày cuối năm và có may mắn gặp gỡ những nhân chứng một thời đã sống chết với Thủ đô những ngày máy bay B-52 của Mỹ dội bom xuống Hà Nội.
Người chúng tôi gặp đầu tiên là cựu chiến binh Nguyễn Văn Cầu, 81 tuổi. Ông là nhân chứng sống những ngày Hà Nội bị dội bom đẫm máu. Vẫn vẹn nguyên ký ức đau thương của ngày hôm qua ông nghẹn ngào, xúc động khi nhắc lại sự kiện đau thương, bi tráng này.
Ông bảo, cứ đến sáng 26/12 hàng năm, ông cùng những gia đình có người thân thiệt mạng do bom B-52 lại đến tượng đài tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong 12 ngày đêm lịch sử, để thắp nén hương tưởng nhớ những người đã khuất.
Tượng đài Khâm Thiên được dựng lên sau trận bom rải thảm đêm 26/12/1972 tại phố Khâm Thiên. Nơi đây đã chứng kiến một gia đình 7 người không còn ai sống sót.
Giọng ông trầm trầm, ngắt quãng khi kể lại những ngày đã qua. Khi đó ông là nhân viên Xưởng in báo Hà Nội mới, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu.
Ngày 22/12/1972, ông cho vợ con sơ tán về nhà ngoại bên làng gốm Bát Tràng. Chiều 26/12, ông đón vợ con về nhà ở phố Khâm Thiên để đi làm.
Cùng ngày, đơn vị nhận lệnh: Đêm nay, Mỹ có thể đánh phá ác liệt Thủ đô. 9 giờ tối phải có mặt tại đơn vị để sẵn sàng chiến đấu.
Vậy là ông Cầu xin nghỉ sớm, về nhà dặn vợ con, em và cháu là đêm phải nhanh chóng xuống hầm, nhưng ông không ngờ đó là giây phút cuối cùng ông được ở bên người thân của mình.
21h ông có mặt tại đơn vị. Khoảng 23h45, bom B52 của Mỹ bắt đầu trút xuống Thủ đô. Ông cùng đồng đội đã chiến đấu trên tầng 4 của xưởng in.
Rồi lòng ông như có lửa đốt khi hay tin khu vực đầu phố Khâm Thiên, nơi có những người ruột thịt của ông đang ở bị trúng bom và đang bốc cháy dữ dội.
Gần sáng, ông xin phép đơn vị về nhà. Nhưng, trước mặt ông, cảnh tượng tan hoang, nhà ông và cả dãy phố đã bị bom cày nát, xác những người bà con lối phố la liệt khắp nơi.
Ông Cầu chết lặng khi thấy người vợ của mình bị mất 1/2 cơ thể, đứa con vị vùi lấp chỉ còn lại một bên chân, 2 người cháu ruột của ông cũng chịu chung số phận. Người em ruột ông thì mãi gần 2 tháng sau mới tìm thấy xác…
Giọng người cựu binh như nghẹn lại khi nói về ký ức đau thương một thời.
“Tôi về đến đầu đường, khung cảnh tang thương hiển hiện trước mắt. Cả tuyến phố Khâm Thiên sau đêm 26/12/1972 bị bom B-52 xới tung, hàng trăm người đào bới tìm kiếm người thân bị chôn vùi”- bà Ngô Thị Vĩnh nhà ở ngõ 132 Khâm Thiên nhớ lại đêm định mệnh. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Vĩnh không cầm được nước mắt khi nói về liệt sĩ Nguyễn Thị Thành. “Đêm đó nếu chị Thành không trực thay thì tôi mới là người bị bom Mỹ cướp mạng”- bà Vĩnh khóc nức lên.
Trong mưa bom B-52 rải thảm, cả Hà Nội sơ tán hàng vạn dân ra ngoại thành.
Trong khi con cháu trong gia đình bà Vĩnh đã về Phú Xuyên (Hà Tây cũ) ở nhờ nhà người thân thì mẹ bà vẫn chưa thể đi được do cứ bước lên tàu xe là bị nôn thốc nôn tháo.
Lo cho mẹ, 10 giờ sáng ngày 26/12/1972, bà Vĩnh quyết định đổi ca trực với bà Thành, lấy xe đạp đưa mẹ về Phú Xuyên tránh bom đạn. Chuyến đi đó đã cứu sống bà Vĩnh.
“Đêm đó, từ Phú Xuyên nhìn về nội đô, cả Hà Nội đỏ rực như ngọn đuốc sống. Tôi sốt ruột không biết chị em ở xưởng may và người thân ở phố Khâm Thiên ra sao, định lấy xe lao về nhưng mọi người ngăn cản”- bà Vĩnh cho hay.
Sáng hôm sau (27/12/1972), máy bay Mỹ lượn ầm ầm trên đầu nhưng hai chị em bà Vĩnh vẫn quyết định về Hà Nội xem tình hình.
Về đến đầu phố, khung cảnh tang thương hiện ra trước mắt. Công ty may Chí Hằng (nay là Giầy vải Thượng Đình) nằm trên phố Khâm Thiên, nơi bà Vĩnh làm việc bị quả bom tấn dội xuống và chôn vùi 6 người. “Đầu ngõ 132 nhà tôi hồi đó bị bom khoét sâu xuống hàng chục mét, rộng như một cái ao. Chị em tôi phải đi vòng ra ngõ Văn Chương mới tìm được lối về căn nhà đã bị sập mái của mình”- bà Vĩnh cho biết.
Dựng lại nhà trên hoang tàn đổ nát
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Cuộc sống của người dân Khâm Thiên hôm nay đã khác xưa rất nhiều.Người dân Khâm Thiên từ trong đống đổ nát, nén đau thương cần mẫn hàn gắn lại những vết thương chiến tranh.
Vết thương trong lòng của ông Cầu, bà Vĩnh nhờ thời gian xóa đi. Cuộc sống của họ đã ổn định.
45 năm đã trôi qua, tất cả đã trở thành quá khứ. Cuộc sống của người dân Khâm Thiên hôm nay đã khác nhiều.
Bộ mặt đô thị đã đàng hoàng hơn. Những khu phố sầm uất, những dãy nhà cao tầng và cuộc sống no ấm đã xóa đi cảnh hoang tàn ngày nào. Khâm Thiên hôm nay tươi sáng màu với rạp chiếu phim Dân chủ đông vui tấp nập, với những cửa hiệu thời trang sang trọng, cửa hàng bánh xinh xắn... hay quán ăn tấm tắc tiếng khách hàng xuýt xoa... Ký ức đau buồn đã khép lại nhường chỗ cho những ngày vui, ngày hạnh phúc.
Nhưng dẫu 45 năm đã trôi qua, nhưng những bằng chứng một thời máu và nước mắt vẫn còn hiện hữu. Hình ảnh Đài tưởng niệm (mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là Bia căm thù) nơi góc phố, với bức tượng người phụ nữ bế xác trẻ thơ... vẫn là nỗi đau không thế xóa nhòa trong lòng người Khâm Thiên.
Đây là nơi, để thế hệ trẻ biết đến tội ác do B-52 gây ra và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Và cũng là nơi những du khách quốc tế đến Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về nỗi đau chiến tranh vẫn còn âm ỉ đâu đó trên đất nước hiền hòa thanh bình này.
Đó là nỗi đau đớn không gì bù đắp được, nó nhắc nhở người Khâm Thiên cái giá của hòa bình, độc lập là rất đắt.
Tượng đài tưởng niệm những nạn nhân xấu số là nỗi đau, niềm tự hào của người Khâm Thiên để nhắc nhở con cháu muôn đời sau không bao giờ được phép quên công ơn của những người đi trước.

Trận bom rải thảm phố Khâm Thiên, Hà Nội đêm 26/12/1972 đã cướp đi sinh mạng của 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em; làm cho 178 cháu mồ côi, trong đó có 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ; 290 người bị thương, 2.000 ngôi nhà, trường học, đền chùa, rạp hát, trạm xá bị sập, trong đó có 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Đặc biệt, ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, 7 người trong ngôi nhà này không còn ai sống sót.

Mảnh đất này được xây Đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và một bức tượng bằng đồng, tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. Tượng được lấy nguyên mẫu từ chính chủ nhân của ngôi nhà bị hủy diệt này.